Sri Lanka vỡ nợ: Từ ngôi sao đang lên đến sự đổ vỡ dây chuyền

Anh Quang-Thứ tư, ngày 13/04/2022 16:18 GMT+7

Sri Lanka hôm 12/4 tuyên bố vỡ nợ vì không trả được khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỷ USD. Ảnh: EconomicTimes

VTV.vn - Từ ngôi sao kinh tế đang lên, nằm trong nhóm thu nhập trung bình…giờ nạn đói cận kề tại Sri Lanka. Vì sao nên nỗi?

Chính phủ Sri Lanka hôm 12/4 tuyên bố vỡ nợ vì không trả được khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỷ USD và đang chờ gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

"Chính phủ chỉ áp dụng biện pháp khẩn cấp này như một hành động sau cùng để ngăn tình hình tài chính của đất nước xấu thêm", AFP dẫn tuyên bố của Bộ Tài chính Sri Lanka.

Quốc đảo 22 triệu dân Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ với 51 tỷ USD nợ nước ngoài, trong bối cảnh đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948.

Trong 51 tỷ USD nợ này, Sri Lanka phải thanh toán 4 tỷ USD nợ nước ngoài trong năm 2022, trong đó gồm một tỷ USD trái phiếu chính phủ quốc tế đáo hạn vào tháng 7. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản và Trung Quốc nằm trong danh sách chủ nợ hàng đầu của quốc gia Nam Á này.

Đổ vỡ dây chuyền

Chủ tịch Murtaza Jafferjee của Viện tư vấn chính sách Advocata (trụ sở tại Sri Lanka) thẳng thắn nhìn nhận tình hình ở Sri Lanka: "30% do vận rủi. 70% do yếu kém trong quản lý… Một chuỗi sai lầm nối tiếp sai lầm".

Thời gian qua, Sri Lanka đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng trên nhiều phương diện, một phần gây ra bởi tác động của dịch COVID-19 đối với ngành du lịch. Ngành du lịch của Sri Lanka, đóng góp 10% cho nền kinh tế, gặp khó khăn kể từ vụ đánh bom vào Lễ Phục sinh năm 2019 khiến 269 người thiệt mạng, trong đó có 45 người nước ngoài, tiếp theo là các hạn chế đi lại liên quan tới đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ nền kinh tế yếu kém, chi tiêu của chính phủ ở mức cao cùng việc cắt giảm thuế từ 15% xuống còn 8%, bãi bỏ 7 loại thuế khiến nguồn thu của nhà nước bị thâm hụt… cũng kéo theo sự đổ vỡ dây chuyền hiện nay.

Dự trữ ngoại hối giảm 70% trong 2 năm qua và chỉ còn khoảng 1,93 tỷ USD, tính đến cuối tháng 3/2022 khiến Sri Lanka gặp khó khăn trong việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm và nhiên liệu.

Trong nỗ lực giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối, năm 2021, Sri Lanka ra lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học và hóa chất nông nghiệp, tiến tới trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất thuần hữu cơ. Quốc gia này tự tin sẽ tiết kiệm khoảng 200 triệu USD. Nhưng thực tế là chính sách này đã gây sụt giảm nghiêm trọng sản lượng các mặt hàng chủ lực như lá trà, quế, tiêu…, tăng thâm hụt gạo – vốn là lương thực chính.

Sri Lanka vỡ nợ: Từ ngôi sao đang lên đến sự đổ vỡ dây chuyền - Ảnh 1.

Cuộc khủng hoảng đã gây ra tình trạng khó khăn cho 22 triệu người dân Sri Lanka. (Ảnh: AP)

Tình trạng thiếu ngoại tệ đã khiến nước này gặp khó khăn trong nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu hay thuốc men. Nhiều người đã phải xếp hàng dài để mua thực phẩm và dầu ăn, trong khi chính phủ Sri Lanka phải áp dụng biện pháp cắt điện luân phiên 13 tiếng/ngày trên toàn quốc hay phát hành tem phiếu với sữa bột, đường, đậu lăng và gạo. Việc này đã khiến người dân bất mãn, đổ ra đường biểu tình nhiều tuần nay.

Zahara Zain, chủ một doanh nghiệp thực phẩm nhỏ, nói rằng những gì đang diễn ra gợi cô nhớ về Sri Lanka khốn khó của hơn 50 năm trước. "Có cảm giác như chúng tôi đang sống lại thời kì những năm 1970, lúc mà mọi thứ đều được phân chia theo khẩu phần".

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã áp đặt lệnh giới nghiêm và tuyên bố tình trạng khẩn cấp đầu tháng 4 để đối phó với bất ổn lan rộng và nguy cơ biểu tình tiếp diễn, trong đó có vụ ném gạch và đốt xe buýt trước nhà riêng của tổng thống tại Thủ đô Colombo.

Ngoài ra, việc chính phủ in tiền để trả các khoản vay trong nước và trái phiếu nước ngoài cũng thúc đẩy lạm phát. Tháng trước, lạm phát tại đây chạm 18,3% - gấp đôi tốc độ tại Mỹ.

Các tổ chức xếp hạng quốc tế liên tục hạ bậc tín nhiệm của Sri Lanka, khiến nước này khó tiếp cận thị trường vốn nước ngoài để huy động các khoản vay cần thiết để tài trợ cho nhập khẩu.

Vay rất nhiều

Giới phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka đã hình thành nhiều năm qua, chủ yếu do vay rất nhiều từ chủ nợ nước ngoài để cung cấp dịch vụ công trong nước, như cơ sở hạ tầng.

Các số liệu chính thức được Guardian trích dẫn cho thấy, Trung Quốc chiếm khoảng 10% trong 35 tỷ USD nợ nước ngoài của Sri Lanka, tính đến tháng 4/2021. Con số này có thể còn cao hơn nhiều nếu tính cả nợ của công ty quốc doanh và ngân hàng trung ương.

Hàng loạt công trình ở Sri Lanka đã mọc lên từ vay nợ Trung Quốc, có thể kể đến hải cảng Hambantota - hay được gọi là cảng không tàu; sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa - được mệnh danh là sân bay vắng nhất thế giới và một sân thi đấu cricket hoành tráng gần nhưng bỏ không.

Sri Lanka đã tìm cách xóa nợ từ Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng cả hai quốc gia này chỉ đưa ra nhiều hạn mức tín dụng hơn để nước này mua hàng hóa từ họ.

Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Basil Rajapaksa, người đồng cấp Nirmala Sitharaman và Ngoại trưởng S. Jaishankar của Ấn Độ đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận vào ngày 17/3 tại New Delhi, liên quan đến khoản vay ưu đãi ngắn hạn trị giá 1 tỷ USD cho Chính phủ Sri Lankan thông qua Ngân hàng Quốc gia Ấn Độ (SBI).

Còn theo Bloomberg, Sri Lanka đang yêu cầu vay Trung Quốc số tiền 1 tỉ USD để trả các khoản vay tới hạn vào tháng 7 năm nay cũng như đề nghị hạn mức tín dụng 1,5 tỉ USD để mua hàng hóa từ nền kinh tế số 2 thế giới, bao gồm hàng dệt may phục vụ xuất khẩu.

Xử lý khoản nợ?

Khác với doanh nghiệp bị phá sản, các chủ nợ sẽ khó thu hồi tài sản của một quốc hơn tài sản của một công ty. Chủ nợ có thể kiện ra tòa án, nhưng dù được xử thắng thì cũng gần như không thể ép buộc một quốc gia trả nợ.

Ví dụ, Argentina đã thua kiện hơn 100 lần, nhưng vẫn từ chối trả các khoản tiền còn thiếu khi nước này vỡ nợ hồi năm 2001.

Tuy nhiên, theo thông lệ để không bị mất uy tín trên thị trường quốc tế, thay vì từ chối chi trả, các quốc gia vỡ nợ sẽ chọn cách tái cấu trúc nợ bằng cách giảm tiền lãi, tiền nợ gốc hoặc gia hạn thời gian để xoay xở.

Hôm 12/4, Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết các chủ nợ, bao gồm cả những chính phủ nước ngoài đã cho vay, được tự do vốn hóa chi phí lãi vay (tiền lãi được cộng vào số dư cho vay) đáo hạn từ chiều 12/4, hoặc chọn hoàn vốn bằng đồng rupee Sri Lanka.

Sri Lanka vỡ nợ: Từ ngôi sao đang lên đến sự đổ vỡ dây chuyền - Ảnh 2.

Đồng rupee Sri Lanka hiện là đồng tiền có hoạt động kém nhất thế giới. Ảnh: CGTN

Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đang kêu gọi người dân ở nước ngoài tăng cường gửi kiều hối thông qua các kênh chính thức để hỗ trợ đất nước. Tháng trước, chính phủ Sri Lanka đã thả nổi đồng nội tệ rupee, đồng nghĩa giá rupee sẽ được quyết định dựa trên cung cầu ngoại hối.

Giữa lúc khủng hoảng leo thang, toàn bộ 26 Bộ trưởng trong Chính phủ Sri Lanka đã từ chức vào cuối tuần qua. Dự kiến, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ có các cuộc thảo luận với Sri Lanka về chương trình cho vay vào tuần tới nhằm hỗ trợ quốc gia Nam Á này vượt qua khủng hoảng. Phát biểu trong một cuộc tranh luận tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardana cảnh báo: Đây mới chỉ là khởi đầu!

Sri Lanka phải tìm tới cả các nước nghèo hơn mình như Bangladesh để xin mở hạn mức tín dụng nhằm mua nhiên liệu và sữa bột. Dầu mỏ từ Iran thì trả bằng lá trà.

Và trước khi các nhà kinh tế hay các nhà ngoại giao ngồi vào bàn đàm phán thì các bác sĩ tại Sri Lanka đang phát đi lời cảnh báo, rằng cuộc khủng hoảng y tế hiện có thể giết nhiều người ở nước này còn hơn cả COVID-19, trong bối cảnh nước này sắp cạn sạch thuốc men, dụng cụ y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước