Trong số hơn 10,2 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu tính đến thời điểm này, khu vực Bắc Mỹ và Mỹ Latin đã chiếm tới một nửa số ca nhiễm.
Riêng tại Mỹ, quốc gia đứng đầu về số ca nhiễm trên toàn thế giới, vào cuối tuần qua đã ghi nhận kỷ lục ca nhiễm mới trong ngày với 45.000 trường hợp. 2/3 số bang tại quốc gia này ghi nhận gia tăng ca nhiễm.
Thậm chí, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) còn công khai khẳng định, số ca nhiễm thậm chí có thể đã cao gấp 10 lần số ca ghi nhận hiện tại.
Vấn đề đáng lo ngại nhất trong đại dịch ở Mỹ có lẽ là quan hệ giữa các bang và chính quyền liên bang. Sự tự chủ của các bang vốn được cho là sức mạnh của nước Mỹ nay lại bộc lộ điểm yếu trong đợt dịch này.
Mức độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở các bang là khác nhau, trong khi điều kiện xét nghiệm, khả năng kinh tế, quan điểm đóng hay mở cửa của mỗi bang cũng khác nhau. Thực tế, không có chính sách chung cấp liên quan sẽ dẫn đến chuyện có bang yêu cầu tổ chức xét nghiệm trên diện rộng, cách ly người từ nơi khác đến, mở cửa từng giai đoạn nhưng lại có bang không làm điều này.
Khi không có chính sách chung, người dân sẽ tự do đi lại. Và dịch từ đó có thể đã "đi theo" người dân "chạy" từ nơi này đến nơi khác.
Trong khi chưa thể có một biện pháp đồng bộ thống nhất trên toàn liên bang, các bang có quyết tâm chống dịch mạnh đang liên kết với nhau để tạo thành từng nhóm bang có chung hướng đi. Một liên minh gồm 3 bang bị tác động đầu tiên ở bờ Tây đã tạo thành một cụm. Cụm thứ hai gồm 7 bang ở vùng Đông Bắc vốn kiểm soát dịch tốt. Mới nhất là cụm gồm các bang ở vùng Trung Mỹ chưa bị tác động nhiều bởi dịch.
Sự liên kết này giúp các bang thống nhất về những chính sách được đưa ra như lệnh ở nhà, che mặt khi ra đường. Bên cạnh đó, các bang có thể chia sẻ với nhau nguồn nhân lực, vật lực y tế, đồng thời cung cấp thông tin về số ca nhiễm, sự di chuyển của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!