Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về nhân quyền Richard Bennett (Ảnh: AFP/Getty Images)
Người phát ngôn của chính quyền Taliban nói với đài truyền hình địa phương Tolo.
Ông Richard Bennett được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc bổ nhiệm vào năm 2022 để giám sát tình hình nhân quyền tại Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền vào năm 2021.
Ông Bennett - người trước đây đã nói rằng cách việc Taliban phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái có thể cấu thành tội ác chống lại loài người - hiện đang làm việc bên ngoài Afghanistan, nhưng đã đến Afghanistan nhiều lần để nghiên cứu tình hình.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Người phát ngôn của chính quyền Taliban Zabihullah Mujahid trước đây đã nói rằng Taliban tôn trọng quyền của phụ nữ theo cách giải thích của họ về luật Hồi giáo và phong tục địa phương. Ông Zabihullah Mujahid nói với đài truyền hình Tolo rằng ông Bennett sẽ không được phép đến Afghanistan - một lệnh cấm công khai hiếm hoi đối với một quan chức quốc tế (của Taliban).
"Việc ông Bennett đến Afghanistan đã bị cấm vì ông được giao nhiệm vụ phát tán tuyên truyền ở Afghanistan. Ông ấy không phải là người mà chúng tôi tin tưởng. Ông ấy thường phóng đại những vấn đề nhỏ và phát tán chúng" - người phát ngôn Mujahid nói, theo Tolo. Văn phòng của ông Mujahid đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Ba năm sau khi lực lượng nước ngoài rút đi, Taliban vẫn chưa được bất kỳ chính phủ nước ngoài nào chính thức công nhận.
Các quan chức nước ngoài - bao gồm cả Washington - đã nói rằng con đường hướng tới sự công nhận (chính quyền Taliban) của quốc tế vẫn bị đình trệ cho đến khi Taliban thay đổi chính sách về quyền phụ nữ. Taliban đã cấm hầu hết trẻ em gái trên 12 tuổi đến trường và học đại học, cấm phụ nữ đến công viên và ngăn chặn hầu hết các chuyến đi đường dài của phụ nữ mà không có người giám hộ là nam giới.
Tài sản của Ngân hàng trung ương Afghanistan đã bị đóng băng và nhiều quan chức cấp cao của Taliban phải tuân theo các hạn chế đi lại của Liên hợp quốc - yêu cầu họ phải xin miễn trừ để được rời khỏi Afghanistan tới các quốc gia khác.
Liên hợp quốc đã cố gắng tìm ra một cách tiếp cận quốc tế thống nhất để giải quyết vấn đề Taliban. Vào tháng 6, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc và đặc phái viên từ 25 quốc gia đã gặp đại diện chính quyền Taliban tại Qatar. Phái đoàn của Taliban đã bị các nhóm nhân quyền chỉ trích vì không đưa phụ nữ Afghanistan và đại diện của xã hội dân sự vào cuộc họp.
Phái bộ Liên hợp quốc tại Afghanistan cũng hoạt động tại Kabul và giám sát cũng như báo cáo về các vấn đề nhân quyền ở nước này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!