Hội nghị an ninh Munich nhóm họp lần đầu tiên vào năm 1963, một sự kiện thường niên quy tụ các chính trị gia và quan chức quân sự, ngoại giao hàng đầu thế giới. Với hơn 6 thập kỷ hoạt động, đây là một diễn đàn an ninh uy tín.
Báo cáo công bố trước thềm hội nghị đã nêu bật những nguy cơ từ thực tế chia rẽ ngày càng tăng giữa các thể chế, đồng thời kêu gọi tái cấu trúc một tầm nhìn an ninh mới trong cộng đồng quốc tế.
Chỉ còn 5 ngày nữa là tròn 1 năm xảy ra chiến sự tại Ukraine. Hội nghị an ninh Munich 2023 khiến nhiều người nhớ lại sự kiện này của năm ngoái khi các quan chức phương Tây rời hội nghị và chỉ ít ngày sau, bị bất ngờ hoàn toàn với biến cố cuộc chiến tại Ukraine, một biến cố bất ngờ thay đổi đột ngột cấu trúc an ninh toàn cầu trong 1 năm qua. Năm nay, chiến sự vẫn là chủ đề chính phủ bóng hội nghị nhưng có những quan điểm đã thay đổi.
Châu Âu sau 1 năm chiến sự tại Ukraine
Tầm này năm ngoái, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức vẫn hy vọng thuyết phục được Tổng thống Nga rút quân dọc biên giới Ukraine. Ngày 8/2, ông Macron tới Moscow gặp Tổng thống Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: AP)
"Tôi rất vui vì có dịp thảo luận chi tiết và cùng nhau tìm kiếm giải pháp hữu ích chung cho cả Nga và các nước châu Âu" - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chia sẻ trong chuyến thăm tại Moscow, Nga.
Một tuần sau, tới lượt ông Scholz sang Nga. Lúc đó, Thủ tướng Đức vẫn đánh giá cao vai trò của Nga đối với an ninh châu Âu.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: AP)
"Đối với Đức cũng như đối với tất cả châu Âu, rõ ràng là không thể đạt được an ninh bền vững nếu không hợp tác với nước Nga. Tất cả chúng tôi đều đồng ý về điều đó, trong NATO cũng như Liên minh châu Âu. Và do đó có thể tìm ra giải pháp" - Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận định.
Nhưng các nỗ lực ngoại giao đã không thành công. Ngày 24/2, các nước châu Âu đều choáng váng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: "Tôi quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Chúng ta sẽ cố gắng phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine".
Mặc dù điều tồi tệ nhất đã xảy ra, phía châu Âu vẫn chưa hết hy vọng đàm phán.
"Chúng ta lên án và trừng phạt nhưng sẽ tiếp tục nỗ lực đối thoại với nước Nga để khi các điều kiện được đáp ứng, có thể nhanh chóng chấm dứt xung đột tại Ukraine" - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh tại Hội đồng châu Âu, Bruxelles.
Một năm trôi qua, lãnh đạo châu Âu đã thay đổi hoàn toàn quan điểm. Chiến sự chưa có lối thoát, đàm phán được cho là không còn hiệu quả. Triệt hạ ngân sách quân sự của nước Nga và củng cố sức mạnh phòng thủ cho Ukraine được lựa chọn.
Tại Hội nghị an ninh Munich, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng: "Cung cấp vũ khí cho Ukraine không làm cho chiến sự kéo dài mà ngược lại. Tổng thống Putin càng sớm nhận ra rằng sẽ không thể đạt được mục tiêu mà ông ấy mong muốn thì cơ hội kết thúc chiến tranh càng tới sớm".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết: "Nếu châu Âu muốn có thể tự bảo vệ mình thì phải trang bị thêm vũ khí, tận dụng khả năng tương tác của NATO, tăng tốc sản xuất vũ khí trên lãnh thổ châu Âu. Do đó, tôi muốn chúng ta thông qua một chương trình đầu tư quốc phòng châu Âu trước mùa hè tới".
Chiến cuộc Ukraine làm xáo trộn cấu trúc an ninh châu Âu. Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO. Các nước châu Âu tăng vọt ngân sách quân sự, nỗ lực tăng cường hệ thống phòng không, tìm cách tự chủ về chip bán dẫn và năng lượng. Liên minh châu Âu bừng tỉnh sau gần 80 năm sống trong hòa bình.
Hội nghị an ninh Munich và các vấn đề toàn cầu
Hội nghị an ninh Munich tuy không phải là nơi đề ra chính sách, chiến lược, không thể giải quyết tất cả vấn đề an ninh đang đặt ra nhưng là diễn đàn được coi trọng để các nhà lãnh đạo, các bên đối thoại cấp cao, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, thảo luận các biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng, đối phó với các thách thức, nguy cơ nhằm bảo vệ môi trường an ninh quốc tế.
Nhưng một tay không thể vỗ thành tiếng cũng giống như Hội nghị an ninh Munich thiếu vắng các quan chức hàng đầu từ những quốc gia là đối thủ địa chính trị lớn của phương Tây như Nga, Iran... khiến sự kiện không còn là nơi gặp gỡ của những tiếng nói đối lập. Một tầm nhìn an ninh mới có thể được bàn đến nhưng không loại trừ khả năng sẽ chỉ là tầm nhìn an ninh cho riêng châu Âu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu qua video tại khai mạc Hội nghị an ninh Munic (Ảnh: AP)
Báo cáo an ninh Munich 2023 với chủ đề "Vẽ lại tầm nhìn" nhận định an ninh toàn cầu đang đứng trước nhiều thách thức với nhiều cuộc cạnh tranh. Các nước đang gia tăng cạnh tranh trên lĩnh vực cơ sở hạ tầng toàn cầu, từ hạ tầng kỹ thuật số, không gian mạng đến thương mại, làm đảo ngược logic cấu trúc thương mại quốc tế, gia tăng sự phân mảnh và xu hướng phi toàn cầu hóa. Hợp tác phát triển cũng không thoát khỏi cạnh tranh có hệ thống khi các vấn đề về y tế, lương thực hay tài chính khí hậu trở thành các lĩnh vực mà các nước có những toan tính, cạnh tranh với nhau. Báo cáo nhận định, mỗi quốc gia đều đang theo đuổi những mô hình phát triển của riêng mình, gây ra những tổn hại cho trật tự thế giới.
Bà Sophie Eisntraut - Trưởng bộ phận nghiên cứu và xuất bản, Hội nghị An ninh Munich (Ảnh: AP)
Bà Sophie Eisntraut - Trưởng bộ phận nghiên cứu và xuất bản, Hội nghị An ninh Munich - cho rằng: "Từ sau xung đột tại Ukraine nổ ra, nhiều nhà lãnh đạo nhận định trật tự quốc tế đang ở một thời điểm quan trọng, một ngã tư đường. Các khảo sát của chúng tôi cho thấy, mọi người đều cho rằng, thế giới đang ở giai đoạn quan trọng của sự tranh giành trật tự quốc tế… Những điều này đòi hỏi phải xây dựng một tầm nhìn lớn hơn về một nền tự do toàn cầu dựa trên quy tắc, trật tự quốc tế".
Một thách thức to lớn khác đó là trật tự hạt nhân và sự ổn định chiến lược. Các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ngày càng gia tăng, nhiều nước tiếp tục bổ sung năng lực hạt nhân làm môi trường an ninh ngày càng xấu đi trong khi thiếu các cơ chế kiểm soát.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (Ảnh: AP)
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng: "Các quốc gia đang tìm kiếm sự an toàn giả tạo trong việc dự trữ và chi hàng trăm tỷ USD cho vũ khí ngày tận thế. Gần 13.000 vũ khí hạt nhân hiện đang được cất giữ trong các kho vũ khí trên khắp thế giới. Tất cả điều này xảy ra vào thời điểm nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân đang gia tăng và các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn sự leo thang đang suy yếu".
Bà Beatrice Fihn - Giám đốc điều hành Chiến dịch quốc tế bãi bỏ vũ khí hạt nhân - nhận định: "Những gì chúng ta đang nói ở đây là những thảm họa thực sự lớn đang chực chờ xảy ra. Căng thẳng gia tăng giữa các nước đặt thế giới đứng trước nguy hiểm, khó khăn... Hậu quả của bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào sẽ rất thảm khốc, đó sẽ là thảm họa nhân đạo chưa từng có".
Hội nghị an ninh Munich kỳ vọng đưa ra những thảo luận nhằm xây dựng một tầm nhìn, hướng tới một trật tự dựa trên luật lệ trong bối cảnh cạnh tranh trật tự quốc tế diễn ra khốc liệt. Nhưng để làm được điều này, các nước, nhất là các cường quốc, cần phải tính đến những quan ngại chính đáng, lợi ích của cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.
Những thách thức an ninh phi truyền thống tại Hội nghị an ninh Munich
Về bản chất, an ninh toàn cầu được cho là cũng gắn liền với sự thịnh vượng kinh tế, đảm bảo về an ninh năng lượng, lương thực. Sự nổi lên ngày một rõ nét của các thách thức an ninh phi truyền thống cũng là chủ đề quan trọng tại Hội nghị an ninh Munich lần này.
Năng lượng là nội dung nóng trong bối cảnh thị trường biến động lớn, các cam kết về năng lượng xanh của nhiều nước đang gặp khó. Nỗ lực giảm thiểu tác động từ tình trạng biến đổi khí hậu hay bài toán về tăng cường hợp tác phát triển công nghệ, bảo đảm an ninh mạng đều là các nội dung được quan tâm.
Năng lượng
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến khủng hoảng năng lượng châu Âu cũng như toàn cầu trở nên phức tạp chưa từng có. Giá khí đốt tự nhiên đạt mức kỷ lục trong tháng 8 năm ngoái, với giá cao hơn khoảng 10 lần so với mức trung bình trong thập kỷ qua. Giá điện tăng gấp 3 lần trong nửa đầu năm 2022. Trên khắp châu Âu, các chính phủ đã can thiệp ồ ạt vào thị trường điện và khí đốt và tăng cường hỗ trợ để bảo vệ các hộ gia đình, các ngành công nghiệp khỏi tác động của giá cả tăng.
Châu Âu từ chỗ phụ thuộc 40% nhu cầu năng lượng vào Nga thì nay nguồn cung năng lượng đã đa dạng. Và mục tiêu xa hơn là chuyển đổi sang năng lượng xanh vì năng lượng tái tạo là loại năng lượng tự do trong giai đoạn khủng hoảng.
Bà Annalena Baerbock - Bộ trưởng Ngoại giao Đức - cho rằng: "Cuộc chiến ở Ukraine là một động lực thúc đẩy năng lượng tái tạo. Ở Đức, chúng tôi đã khởi xướng luật năng lượng tái tạo đầy tham vọng nhất mà chúng tôi từng có và chúng tôi vận động các quốc gia khác tăng cường phát triển năng lượng tái tạo trên toàn thế giới".
Biến đổi khí hậu
Thế giới sẽ xảy ra chiến tranh tranh giành thực phẩm và nước trong tương lai. Một viễn cảnh đầy u tối do Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách khí hậu Frans Timmermans nêu ra tại Hội nghị an ninh Munich.
Theo ông Timmermans, sự nóng lên toàn cầu đặt ra một trong những rủi ro lớn nhất đối với an ninh trên toàn thế giới và những nỗ lực nhằm hạn chế tác động của nó không nên bị trật bánh bởi các cuộc khủng hoảng địa chính trị khác, chẳng hạn như cuộc chiến ở Ukraine.
Ông Frans Timmermans - Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu phụ trách khí hậu - cho rằng: "Nếu chúng ta không hành động thì không nghi ngờ gì, con cháu chúng ta sẽ phải đánh nhau để tranh giành đồ ăn thức uống. Chúng ta sẵn sàng nhận bao nhiêu triệu người tị nạn vì một số phần của hành tinh trở nên không thể ở được? Chúng ta sẽ chịu đựng được bao nhiêu dịch đói vì các nơi trên thế giới không còn có thể canh tác sản xuất nông nghiệp? Hãy nghĩ về điều đó".
An ninh mạng
An ninh mạng là một vấn đề không thể thiếu trong bối cảnh chiến tranh thông tin ngày càng nở rộ. Những nội dung xấu, độc, sai sự thật xuất hiện tràn lan, những cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng. Để ngăn chặn điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và các nhà lãnh đạo phải cùng nhau thiết lập các tiêu chuẩn an ninh tập thể, tạo ra khung pháp lý bảo vệ người dùng trên không gian mạng.
Một yếu tố làm nên sức hút của hội nghị đã gần 70 năm tuổi này, chính là Quy tắc Munich, tham gia và tương tác với nhau, không lên lớp hay phớt lờ nhau. Tuy vậy, trong bối cảnh cục diện an ninh nhiều thay đổi, chia rẽ, làm thế nào để các nguyên tắc này còn phát huy tác dụng? Tình hình thế giới đã khác nhiều so với Hội nghị an ninh Munich năm ngoái và liệu cách tiếp cận như chủ đề của sự kiện năm nay. Vẽ lại tầm nhìn liệu có thể khơi gợi về một "tầm nhìn mới" cho an ninh châu Âu và rộng hơn là an ninh toàn cầu? Rất nhiều câu hỏi vẫn còn đang bỏ ngỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!