Tầm quan trọng của việc 3 nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine

Đàm Linh (Theo Guardian)-Thứ năm, ngày 23/05/2024 12:12 GMT+7

Một người biểu tình ủng hộ Palestine cầm cờ chạy hiên ngang trong một cuộc biểu tình ở New York (Ảnh: John Lamparski)

VTV.vn - Việc Ireland, Na Uy, Tây Ban Nha công nhận Nhà nước Palestine được cho là sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình và an ninh cho cả Israel và Palestine.

Quan điểm thống nhất và dứt khoát

Na Uy - quốc gia chưa phải là thành viên của EU, một đồng minh thân cận của Mỹ - từ lâu đã tuyên bố sẽ chỉ công nhận Palestine là một quốc gia độc lập nếu điều đó có tác động tích cực đến tiến trình hòa bình, phù hợp với những gì Mỹ đã tuyên bố về vấn đề này.

Na Uy đóng vai trò then chốt trong ngoại giao Trung Đông nhiều năm qua, từng đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine vào đầu những năm 1990 dẫn đến Hiệp định Oslo, cho biết cần phải công nhận Nhà nước Palestine để ủng hộ những tiếng nói ôn hòa trong cuộc chiến ở Gaza.

Tầm quan trọng của việc 3 nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine - Ảnh 1.

Lãnh đạo 3 nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine (Ảnh: AP)

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cáo buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thực hiện một vụ "thảm sát" ở Gaza và gây nguy hiểm cho giải pháp hai nhà nước. "Chúng ta phải sử dụng tất cả các nguồn lực chính trị có sẵn để nói to và rõ ràng rằng chúng ta sẽ không cho phép khả năng giải pháp hai nhà nước bị phá hủy bằng vũ lực vì đó là giải pháp công bằng và bền vững duy nhất cho vấn đề này" - ông Pedro Sánchez nói.

Thủ tướng Ireland Simon Harris cho biết ông kỳ vọng các nước khác sẽ cùng Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy công nhận Nhà nước Palestine trong những tuần tới. Ông nói Ireland dứt khoát công nhận quyền tồn tại "an toàn và hòa bình với các nước láng giềng" của Israel, đồng thời ông kêu gọi trả lại tất cả các con tin ở Gaza ngay lập tức.

Ý nghĩa đối với tiến trình hòa bình Trung Đông

Theo một số chuyên gia, tác động quan trọng nhất của việc 3 nước châu Âu công nhận Nhà nước là chỉ ra sự xói mòn "quyền sở hữu" của Mỹ đối với tiến trình hòa bình Israel - Palestine kể từ thời kỳ đàm phán và thỏa thuận hòa bình ở Oslo.

Với tiến trình hòa bình tưởng như "đã chết" từ lâu, các quan chức Palestine đã và đang làm việc cần mẫn để vận động sự ủng hộ từ châu Âu, khi người Palestine bị gạt ra ngoài lề vì Hiệp định Abraham và việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mở Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem tháng 5/2018, bất chấp sự phản đối từ Palestine và hàng loạt quốc gia trên thế giới.

Tầm quan trọng của việc 3 nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine - Ảnh 2.

Biểu tình đòi công nhận quyền tự do và công bằng cho người Palestine nổ ra ở nhều nơi trên thế giới (Ảnh: Getty Images)

Vương quốc Anh cũng cho biết họ có thể xem xét việc công nhận Nhà nước Palestine trong bối cảnh thất vọng ngày càng sâu sắc về chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Ông Hugh Lovatt (Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu) nhận định, động thái mới nhất của 3 nước châu Âu sẽ mở ra một con đường đầy xán lạn, dẫn tới quyền tự quyết của người Palestine. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự tham gia của Arab trong việc hỗ trợ lệnh ngừng bắn bền vững ở Gaza, là một phần trong kế hoạch "tầm nhìn Arab" nhằm thực hiện giải pháp hai nhà nước.

Tác động đối với người Palestine

Mắc kẹt ở Dải Gaza và Bờ Tây do Israel kiểm soát không khiến khao khát thành lập một nhà nước Palestine độc lập của người Palestine giảm đi. Họ từng 2 lần tổ chức hai cuộc nổi dậy lớn năm 1987 - 1993 và 2000 - 2005 với hy vọng chấm dứt sự chiếm đóng không được quốc tế công nhận của Israel.

Dải Gaza đã không im tiếng súng kể từ sau khi Hamas nắm quyền. Hamas và Israel đã giao tranh qua lại nhiều lần, bao gồm các cuộc xung đột nghiêm trọng vào các năm 2008, 2012, 2014 và 2021, khiến hàng ngàn người thiệt mạng, chủ yếu là người Palestine.

Tầm quan trọng của việc 3 nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine - Ảnh 3.

Người Palestine tại Gaza đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng (Ảnh: Anadolu)

Tuy nhiên, mục tiêu hướng tới sự công nhận hai nhà nước có thể là "con dao hai lưỡi" đối với chính quyền Palestine vốn đang không được lòng dân, yếu kém và đầy rẫy tham nhũng của ông Mahmoud Abbas - người đã không tổ chức các cuộc bầu cử lập pháp kể từ năm 2006.

Mặc dù vậy, sự công nhận hàm ý quyền tự quyết của người Palestine cũng có thể giúp hồi sinh một xã hội dân sự Palestine, được cho là đã bị bóp nghẹt dưới thời kỳ ông Abbas.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước