Phát biểu sau khi đắc cử tân Chủ tịch LDP, ông Kishida Fumio cam kết sẽ dốc sức để giải quyết các thách thức mà Nhật Bản đang đối mặt. Vấn đề quan trọng nhất sẽ là nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19. Ông Kishida nói rằng, ông đặt mục tiêu đến cuối tháng 11 sẽ tiêm vaccine đầy đủ cho tất cả những người muốn tiêm, thúc đẩy hoàn thành các loại thuốc chống virus Corona qua đường uống vào cuối năm nay, đồng thời đưa ra gói kích thích kinh tế hỗ trợ người dân vượt qua khủng hoảng.
"Tôi sẽ dồn hết sức của mình để đối phó với virus Corona. Trong năm nay, tôi sẽ đưa ra một gói kích thích kinh tế trị giá hàng chục nghìn tỉ Yen để mọi người dân Nhật Bản có thể hưởng lợi", ông Kishida nói.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Kishida đã đưa ra ba cam kết và ba chính sách cần phải thực hiện. Ba cam kết là: Lắng nghe đầy đủ tiếng nói của nhân dân; Hình thành xã hội tôn trọng tính cá biệt và đa dạng; Hướng tới xã hội chia sẻ.
Ba chính sách: Dồn sức thực hiện chính sách ngăn ngừa đại dịch COVID-19; Xây dựng chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản; Chính sách đảm bảo an ninh ngoại giao.
Ông Kishida năm nay 64 tuổi, từng giữ vị trí Ngoại trưởng và Phụ trách chính sách của Đảng LDP dưới thời cựu Thủ tướng Abe Shinzo.
Theo lộ trình, vào đầu tuần tới, ông Kishida sẽ chính thức được bầu làm Thủ tướng mới tại phiên họp Quốc hội, nơi Đảng LDP đang nắm quyền kiểm soát. Ông Kishida dự kiến sẽ lập nội các mới ngay trong đầu tháng 10, trước khi tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào giữa tháng 11.
Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, một quốc gia có vai trò an ninh hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, là thành viên của nhóm G7. Vì thế, quan điểm chính sách mới của Nhật Bản sẽ có ảnh hưởng rất lớn không chỉ ở nước này mà tới cả chính sách an ninh khu vực.
Chính sách kinh tế Abenomics mang lại nhiều thành quả
Trong bài phát biểu tranh cử, ông Kishida cho rằng chính sách kinh tế Abenomics đã mang lại nhiều thành quả tăng trưởng cho nền kinh tế Nhật Bản, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế.
Chính sách chủ nghĩa tư bản mới theo hình thái Nhật Bản là ý tưởng mà ông Kishida đưa ra nhằm giải quyết điểm yếu của chính sách kinh tế Abenomics mà cựu Thủ tướng Abe Shinzo đưa ra trước đó và để thực hiện chính sách này. Ông Kishida cam kết sẽ chi hàng trăm tỷ USD để kích thích nền kinh tế, trong đó sẽ dành sự ưu tiên đối với những người có thu nhập thấp hơn trong xã hội và hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn hiện nay.
Về đối ngoại, nhiều khả năng sẽ không có thay đổi lớn
Dự kiến ông Kishida sẽ tiếp tục đường hướng đối ngoại như dưới thời Thủ tướng Abe và Thủ tướng Suga, trong đó trọng tâm là tăng cường quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ, cũng như tăng cường quan hệ đối tác với các thành viên nhóm Bộ Tứ Kim cương giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ nhằm thúc đẩy cam kết trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Nhìn chung, chiến lược này sẽ vẫn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản và là chìa khóa để Nhật Bản bảo vệ lợi ích và cạnh tranh ảnh hưởng với nước láng giềng Trung Quốc tại khu vực.
Ngày 30/9, Nhật Bản dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp áp dụng tại 19 địa phương và các biện pháp phòng dịch trọng điểm áp dụng tại 8 địa phương, điều này cho thấy việc kiểm soát dịch bệnh tại Nhật Bản đã đi đúng hướng và đạt kết quả. Đây sẽ là nền tảng xuất phát thuận lợi cho ông Kishida khi dẫn dắt Nhật Bản bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID - một thách lớn trong nhiệm kỳ sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!