Nỗi lo sợ khủng bố một lần nữa bao trùm châu Âu, tâm điểm lần này là Tây Ban Nha. Hai vụ tấn công bằng hình thức đâm xe vào đám đông đã xảy ra tại thành phố Barcelona chỉ trong vòng vài tiếng, khiến hơn 10 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Sau hơn 1 thập kỷ yên bình, 2 vụ đâm xe này đã khiến người dân Tây Ban Nha bàng hoàng, song không phải quá bất ngờ. Lí do bởi đây là lần thứ 6 châu Âu phải hứng chịu tấn công khủng bố bằng cách lao xe vào đám đông.
Danh sách các thành phố bị tấn công bằng xe đâm vào đám đông tại châu Âu vẫn đang dài thêm một cách tuyệt vọng, từ Berlin, Nice, Jerusalem, Montreal, Stockholm đến London và gần đây nhất là Barcelona. Dù cách thức tiến hành không có gì mới nhưng nó đang được các tổ chức khủng bố tích cực kêu gọi sử dụng vì tiến hành đơn giản, rẻ tiền mà có thể gây thiệt hại lớn. Chính vì lý do này, nhiều tờ báo đã đưa đưa ra nhận định việc dùng xe lao vào đám đông hiện đang trở thành một phương thức hành động mà những kẻ khủng bố ưa chuộng.
Phân tích thêm về cách thức tấn công khủng bố kiểu công nghệ thấp này (low-tech), trang Thewire đã trích dẫn báo cáo của giáo sư Steve Hewitt tại Đại học Birmingham (Anh). Theo đó, các vụ tấn công sử dụng phương tiện giao thông hàng ngày này có thể được tiến hành mà không cần hoặc cần rất ít sự đào tạo, điều này trái ngược với vụ tấn công bằng bom hay súng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đây là những vụ tấn công "lấy cảm hứng từ IS" hơn là IS đã đào tạo kẻ tấn công. Việc các tài liệu tuyên truyền phong phú lan tràn trên Internet cộng với khả năng tiếp cận dễ dàng đã tiếp tục reo rắc tư tưởng cực đoan tới những đối tượng đang tìm kiếm.
Trong khi đó, CNN cho rằng, chìa khoá để ngăn chặn các vụ tấn công bằng xe trong tương lai nằm ở công tác kết nối với những người thân cận hoặc các thành viên trong gia đình của đối tượng. Đây thường là những người đầu tiên phát hiện ra tư tưởng cực đoan hay việc lập ra các âm mưu, và thông báo tới nhà chức trách về những lo lắng của họ.