Người dân tham dự hội chợ việc làm tại San Mateo, bang California (Mỹ). (Ảnh: AP/TTXVN)
Thị trường lao động vẫn là điểm sáng của nền kinh tế lớn nhất thế giới bất chấp những lo ngại về suy thoái ngày càng tăng và người dân Mỹ đang phải thắt chặt hầu bao trong thời kỳ lạm phát, giá cả tăng cao.
Theo CNN, thị trường lao động Mỹ đã có thêm 372.000 việc làm mới trong tháng 6. Một tín hiệu cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn ổn định, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ sớm xảy ra tại nền kinh tế số 1 thế giới hiện nay. Mức tăng việc làm mạnh nhất đến từ các ngành dịch vụ, kinh doanh, giải trí và khách sạn, chăm sóc sức khỏe, kho bãi.
Với mức tăng này, theo FT, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện ở mức thấp trong lịch sử là 3,6% so với trước đại dịch. Trong tháng 5, Mỹ vẫn có 11,3 triệu vị trí việc làm, tức là gần 2 cơ hội việc làm cho mỗi người thất nghiệp.
Thiếu lao động, các công ty Mỹ đang cạnh tranh để có thêm nhân viên. Tuy nhiên, một số công ty lớn đã ra thông báo sa thải công nhân do tăng trưởng kinh doanh đang chậm lại, trong khi chi phí cho lao động ngày càng cao.
CNBC cho biết, hãng hàng không American Airlines đã đồng ý tăng gấp 3 tiền lương cho phi công. Tuyên bố đưa ra sau khi hàng nghìn chuyến bay của hãng này bị hủy bỏ do tình trạng thiếu hụt nhân công nghiêm trọng.
Thế nhưng, tình trạng sa thải lượng lớn nhân viên đang xảy ra. Theo Busines Insider, hãng ô tô điện Tesla đang phải cắt giảm 10% lực lượng lao động. Công ty môi giới bất động sản trực tuyến Redfin, do thị trường nhà đất nguội lạnh cũng phải sa thải 8% công nhân. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các hãng lớn như Netflix hay sàn giao dịch điện tử Coinbase Global.
Một số công ty ở Mỹ đã phải áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng" trong bối cảnh lãi suất cao, doanh thu giảm. Điều này thường dẫn đến việc cắt giảm việc làm. Các ông lớn như Apple, Twitter hay Meta cũng đang rút lại kế hoạch tuyển dụng của họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!