Theo Luật Đại diện Bình đẳng đã được thông qua tại cuộc họp nội các hàng tuần của Tây Ban Nha trong tuần qua, hội đồng quản trị của các công ty bắt buộc phải có ít nhất 40% nữ giới, "giới tính ít đại diện nhất". Luật cũng sẽ đòi hỏi mức độ bình đẳng giới tương tự ở những vị trí quản lý cấp cao khác trong các doanh nghiệp.
Ngoài hội đồng quản trị của các công ty lớn, dự luật còn yêu cầu tăng số phụ nữ có mặt trong danh sách bầu cử và hội đồng quản trị của các hiệp hội nghề.
Quy định mới sẽ được áp dụng cho tất cả các công ty giao dịch công khai trước ngày 1/7/2024 và đối với toàn bộ doanh nghiệp có ít nhất 250 nhân viên và doanh thu hàng năm từ 50 triệu Euro (53 triệu USD) trước ngày 30/6/2026.
Theo luật mới của Tây Ban Nha, phụ nữ phải được nắm giữa tối thiểu 40% số vị trí trong hội đồng quản trị, vị trí cấp cao của các doanh nghiệp, danh sách bầu cử và nội các chính phủ. (Ảnh: DDI)
Tỷ lệ nữ giới từ 40% cũng sẽ được áp dụng cho bộ máy nội các chính phủ, và tất cả các danh sách bầu cử bắt buộc phải có sự luân phiên giữa các ứng cử viên nam và nữ. Hiện tại, các thành viên nữ chiếm 44% trong Quốc hội Tây Ban Nha và 39% trong Thượng viện nước này.
"Nếu nữ giới đại diện cho một nửa xã hội, một nửa quyền lực chính trị và kinh tế cũng phải thuộc về phụ nữ", Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez phát biểu vào tuần trước khi công bố kế hoạch.
Luật trên là biện pháp mới nhất trong một loạt các giải pháp về bình đẳng giới được chính quyền Tây Ban Nha công bố. Vào tháng 12/2022, Chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua dự luật về quyền của người chuyển giới cùng với một đạo luật tiên phong về sức khỏe sinh sản và tình dục, trong đó ban hành chế độ nghỉ phép có lương do nhà nước tài trợ cho những phụ nữ phải chịu đau đớn trong thời gian "nguyệt sự".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!