Ông Moon Jae-in. Ảnh: Reuters
Với chiến thắng thuyết phục, ông Moon Jae-in đánh dấu sự trở lại nắm quyền lực sau 10 năm của Đảng Dân chủ tự do Hàn Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa với một sự thay đổi chính sách rộng lớn và định hình lại toàn bộ đời sống chính trị Hàn Quốc.
Tân Tổng thống được kỳ vọng sẽ tháo gỡ một số vấn đề của Hàn Quốc như sự chia rẽ, vấn đề tham nhũng, mất cân bằng kinh tế, hậu quả của mô hình kinh tế phụ thuộc vào các tập đoàn lớn gia đình trị.
Ông Moon Jae-in, một cựu luật sư về nhân quyền và là cố vấn của cố Tổng thống theo quan điểm tự do Roh Moo-hyun - từng là ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 và đã thất bại trước bà Park Geun-hye.
Khi vận động tranh cử, ông Moon Jae-in muốn tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ có thêm quyền để tham gia ứng cử vào hội đồng quản trị của các tập đoàn kinh tế lớn mà theo cách nói của ông này là có thể xóa bỏ quyền kiểm soát kiểu "gia đình trị" đối với các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc.
Chiến thắng của ông Moon Jae-in đồng nghĩa với việc phe dân chủ Hàn Quốc chính thức trở lại chính trường sau 9 năm dưới quyền của phe bảo thủ. Tổng thống mới của Hàn Quốc đề cao ý kiến công luận kịch liệt lên án sự liên kết ở thượng tầng giữa chính phủ và các doanh nhân - điều đã dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Park Geun-hye.
Ông Moon cũng ủng hộ một lập trường mềm mỏng hơn đối với Triều Tiên so với người tiền nhiệm Park Geun-hye. Nếu có kế hoạch thực hiện "Chính sách Ánh dương 2.0" - chính sách tái khởi động đối thoại và viện trợ kinh tế cho Triều Tiên, Tổng thống đắc cử Moon sẽ cần chứng minh rằng việc nối lại hợp tác kinh tế sẽ không tạo nguồn vốn cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ông Moon cũng cho biết sẽ xem xét lại cách thức triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, đang khiến Trung Quốc quay lưng với Hàn Quốc về kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!