Việc triển khai trung tâm khẩn cấp sẽ giúp nước này huy động một triệu tình nguyện viên trên toàn quốc tham gia công tác ứng phó với các đợt bùng phát bệnh do muỗi lây truyền.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, Thái Lan đã ghi nhận hơn 15.000 ca mắc sốt xuất huyết, con số cao gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 13 trường hợp tử vong.
Tại Thái Lan, các đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết thường xảy ra vào mùa mưa, khi đầm lầy trở thành môi trường sống lý tưởng của muỗi.
Dịch sốt xuất huyết Dengue thường xảy ra hai năm một lần. Năm nay dự báo Thái Lan sẽ phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh căng thẳng nếu không có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Tổng Giám đốc Cục kiểm soát dịch bệnh Thái Lan (DDC), Tiến sĩ Opas Kankawinpong giải thích: "Trong hai năm qua, chúng tôi đã không trải qua đợt bùng phát dịch (sốt xuất huyết) lớn nào, điều đó có nghĩa là người dân Thái Lan hiện đang có mức độ miễn dịch khá thấp để chống lại căn bệnh này".
Các triệu chứng ban đầu của bệnh sốt xuất huyết tương tự như các triệu chứng của bệnh COVID-19, do đó bệnh nhân và các chuyên gia y tế có thể sẽ gặp khó trong việc phân biệt giữa hai căn bệnh này.
"Bệnh nhân có thể mắc cả COVID-19 và sốt xuất huyết cùng một lúc, không phân biệt lứa tuổi. Nếu bạn bị sốt cao, sổ mũi, đau họng, đau nhức cơ, hãy đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm máu xem có sốt xuất huyết hay không. Nhiều người có các triệu chứng này nghĩ rằng họ bị COVID-19 và do đó chỉ làm xét nghiệm coronavirus", ông Opas cho biết.
Tuy nhiên khi bệnh tiến triển, hầu hết bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ xuất hiện các triệu chứng hô hấp, trong khi bệnh nhân sốt xuất huyết thường chán ăn và cảm thấy buồn nôn nhiều hơn.
DDC khuyến cáo mọi người dân sử dụng màn chống muỗi, loại bỏ các đồ đạc dễ tích tụ nước mưa hay hạn chế tích trữ nước nếu không cần thiết, qua đó muỗi không có mỗi trường phát triển, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!