Khi triển khai, chương trình được kỳ vọng sẽ mang lại khoảng 26 tỷ euro cho nền kinh tế Thái Lan trong thập kỷ tới.
Chương trình thị thực Cư trú dài hạn mới của Thái Lan dự kiến bắt đầu nhận đơn xin cấp thị thực từ đầu tháng sau và được chia thành 4 nhóm, gồm "Chuyên gia có tay nghề cao", "Chuyên gia làm việc từ Thái Lan", "Công dân toàn cầu giàu có" và "Người hưởng lương hưu giàu có".
Để được cấp thị thực theo chương trình này, ứng viên phải phải chứng minh tài sản ít nhất 1 triệu USD và thu nhập hàng năm là 80.000 USD, mặc dù các quy tắc này có thay đổi đôi chút giữa các nhóm khác nhau.
Theo đó, các ứng viên cho loại "Chuyên gia có tay nghề cao" sẽ phải làm việc trong một lĩnh vực được Chính phủ Thái Lan coi là cần thiết. Những người thuộc danh mục "Chuyên gia làm việc từ Thái Lan", chủ yếu hướng đến diện đối tượng là nhân viên làm việc trong lĩnh vực công nghệ, phải được tuyển dụng bởi một công ty có doanh thu ít nhất 150 triệu USD trong vòng ba năm.
Trong khi đó, những người đăng ký danh mục "Công dân toàn cầu giàu có" sẽ cần đầu tư ít nhất 500.000 USD vào Thái Lan, bao gồm trái phiếu và tài sản.
Theo các chuyên gia, điểm hấp dẫn chính của chương trình thị thực mới là các hình thức "Công dân toàn cầu giàu có" và "Chuyên gia làm việc từ Thái Lan" bởi Thái Lan hiện chưa có thị thực hoặc giấy phép lao động dành riêng cho những người nước ngoài thuộc các nhóm này. Quan trọng hơn, chương trình này cũng không quy định người nước ngoài xin cấp thị thực thuộc hai diện này cần phải có một bên bảo trợ tại Thái Lan để làm việc hoặc cư trú tại nước này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!