Đây là nơi trước kia chỉ các học giả và chuyên gia mới được vào nghiên cứu, còn từ nay công chúng sẽ có cơ hội trực tiếp khám phá.
Bà Barbara Jatta - Giám đốc, Bảo tàng Vatican cho biết: "Cho tới nay, chúng tôi muốn chia sẻ nơi này với các học giả, sinh viên, chuyên gia, những nhóm quan tâm. Nhưng từ hôm nay, chúng tôi mở cửa nơi này, kể cả một khách tham quan cá nhân cũng có thể tới mà không cần có người hướng dẫn".
Địa điểm khảo cổ này là một 'thành phố của người chết' ở thành La Mã cổ đại, rộng khoảng 1.000 m2. Những ngôi mộ ở đây có từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ tư sau Công nguyên.
Phần đầu tiên của địa điểm này được phát hiện vào năm 1956. Tới năm 2003, khi xây dựng một khu để xe, người ta lại phát hiện thêm một phần nữa.
Các chuyên gia cho hay, điều khiến nơi này độc đáo là nó cho thấy một phần cuộc đời của những giai cấp thấp ở thành Rome cổ đại. Nơi đây, các nô lệ, người vừa được giải phóng, các thợ thủ công của thành Rome được chôn cất.
Trên một tấm bia là chân dung của một người tên là Nunnius, làm nhiệm vụ chăm sóc rừng của hoàng đế. Ông Leonardo di Blasi - Nhà khảo cổ học, Bảo tàng Vatican cho biết: "Ở đây là những đại diện của tầng lớp trung lưu thấp trong số những người dân thành La Mã. Từ những chữ khắc chúng ta biết họ là nô lệ, vì chủ của họ thường được nhắc đến, trong trường hợp này hóa ra là Hoàng đế Nero. Họ được gọi là 'người hầu của Nero', họ là những người phục vụ cho hoàng thất".
Ông Giandomenico Spinola - Phó giám đốc khoa học-nghệ thuật, Bảo tàng Vatican: "Chúng ta bắt đầu hiểu được về những người mà trước đây chúng ta không biết, đặc biệt là những nghi lễ dường như liên quan đến các gia đình, địa phương, thành phố hoặc các cá nhân hơn là thuộc về tôn giáo chính thức. Do một trận lở đất lớn đã bao phủ kín nơi này mà nơi này còn lại chính xác như thời kỳ người La Mã, với những đồ vật của người đã khuất, khiến chúng ta hiểu được niềm đam mê, những nỗi sợ và phong tục của họ…".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!