Chủ đề của Ngày Trái đất năm nay là "Hành tinh và Nhựa" như một lời kêu gọi nâng cao nhận thức về những tác hại mà ô nhiễm nhựa gây ra cho sức khỏe con người, động vật và đa dạng sinh học nói chung.
Mục tiêu của sự kiện này là nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.
Từ hôm nay (22/4), hơn 17.000 nhà hàng tại Hong Kong (Trung Quốc) không được phép sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, dao, thìa, đĩa, hộp đựng thức ăn bằng xốp...
Lênh cấm đồ nhựa sử dụng một lần là nỗ lực lớn của chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) trong bối cảnh thành phố 7,5 triệu dân mỗi ngày đang thải ra các bãi chôn lấp một lượng rác thải khổng lồ, trong đó đồ nhựa dùng một lần chiếm tỷ lệ lớn.
Quy mô tái chế hiện không thể đáp ứng kịp lượng nhựa được sản xuất. Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho thấy mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa. Trong đó, chỉ dưới 10% được tái chế. Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa thải ra, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tác động tiêu cực tới sức khỏe con người.
Trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển những công nghệ bao bì tiên tiến nhằm tái chế rác thải nhựa hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng cần phải nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân về việc tiêu thụ nhựa và tác động của rác thải nhựa.
Phiên đàm phán thứ tư của Liên hợp quốc về ô nhiễm nhựa sẽ bắt đầu tại Ottawa, Canada vào ngày 23/4. Dù chưa chắc chắn về thời điểm đạt được thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về giải quyết ô nhiễm nhựa nhưng có một điều rõ ràng được các bên nhất trí là cần có hành động khẩn cấp ở mọi cấp độ để giảm cả việc sản xuất và sử dụng nhựa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!