Đây là vòng đàm phán thứ ba về Hiệp ước toàn cầu chống rác thải nhựa nhưng là vòng đàm phán đầu tiên xem xét văn bản dự thảo hiệp ước. Hội nghị được kỳ vọng sẽ đặt những viên gạch đầu tiên cho nỗ lực toàn cầu chống rác thải nhựa đang tác động sâu sắc đến môi trường, hệ sinh thái trên toàn cầu.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch ủy ban đàm phán liên chính phủ cảnh báo, ô nhiễm nhựa gây ra "mối đe dọa trực tiếp đối với môi trường, sức khỏe con người và sự cân bằng mong manh của hành tinh". Trong khi Tổng thống nước chủ nhà Kenya mô tả, ô nhiễm nhựa là mối đe dọa hiện hữu đối với mọi sự sống trên hành tinh.
Tổng thống Kenya William Ruto nói: "Để giải quyết ô nhiễm nhựa, nhân loại phải thay đổi. Chúng ta phải thay đổi cách tiêu dùng, cách sản xuất và cách xử lý rác thải. Đây là thực tế của thế giới chúng ta. Thay đổi là không thể tránh khỏi, hiệp ước này, công cụ mà chúng tôi đang thực hiện, là quân domino đầu tiên trong sự thay đổi này".
Ông Inger Andersen - Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc nói: "Chúng ta cần sử dụng ít nguyên liệu thô hơn, ít nhựa hơn và không có hóa chất độc hại. Chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta sử dụng, tái sử dụng và tái chế tài nguyên hiệu quả hơn cũng như xử lý an toàn những gì còn sót lại".
Năm 2022, khoảng 175 quốc gia đã nhất trí sẽ ký kết một hiệp ước của Liên hợp quốc vào năm 2024 nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên đại dương, trôi nổi trong khí quyển và xâm nhập vào cơ thể động vật và con người.
Mặc dù có sự đồng thuận rộng rãi về việc cần có một hiệp ước, nhưng vẫn có những ý kiến trái chiều về những nội dung nên có trong hiệp ước này. Khoảng 60 quốc gia đã kêu gọi áp dụng các quy tắc ràng buộc nhằm giảm thiểu việc sử dụng và sản xuất nhựa được làm từ nhiên liệu hóa thạch, một biện pháp được nhiều nhóm môi trường ủng hộ. Tuy nhiên, đây không phải là quan điểm nhận được sự đồng thuận của nhiều nền kinh tế sản xuất nhựa. Các nhóm môi trường cho rằng, sức mạnh của hiệp ước phụ thuộc vào cam kết của các chính phủ đối với việc hạn chế và giảm dần việc sản xuất nhựa.
Ô nhiễm nhựa đang trở thành vấn đề cấp bách, đòi hỏi các quốc gia cần khẩn cấp hành động quyết liệt. Một thống kê cho thấy, sản lượng nhựa đã tăng gấp đôi sau 20 năm, lên gần 400 triệu tấn mỗi năm vào năm 2021. Trung bình, mỗi năm có khoảng 10 triệu tấn nhựa trôi nổi ra các đại dương. Đáng chú ý, ước tính, hơn 80% rác thải nhựa đại dương toàn cầu được thải ra từ châu Á.
Với xu hướng hiện tại, sản lượng nhựa có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2060 nếu không hành động. Khoảng 65% rác thải nhựa bị loại bỏ sau khi chỉ được sử dụng một hoặc vài lần và chưa đến 10% được tái chế. Riêng tại châu Phi, theo một báo cáo của tổ chức Tearfund, rác thải nhựa đang gia tăng "vượt quá tầm kiểm soát". Báo cáo cho biết, lượng rác nhựa hiện được thải ra hoặc đốt công khai mỗi phút, ở khu vực châu Phi cận Sahara, đủ để bao phủ một sân bóng đá. Nếu xu hướng này cứ tiếp diễn, khu vực này dự kiến sẽ có 116 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm vào năm 2060, gấp 6 lần so với mức 18 triệu tấn năm 2019.
Gánh nặng chi phí từ rác thải nhựa
Rác thải nhựa gây ra ô nhiễm môi trường, tạo ra các hệ lụy về đời sống. Bên cạnh đó, nó cũng tạo ra các gánh nặng về chi phí, đặc biệt là với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Một báo cáo mới của Quỹ Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên cho biết, chi phí thực sự của nhựa đối với môi trường, sức khỏe và nền kinh tế có thể cao hơn gấp 10 lần đối với các nước thu nhập thấp, mặc dù lượng tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở các nước này chỉ bằng 1/3 so với các nước có thu nhập cao.
Tại bãi rác ở thủ đô Nairobi của Kenya, nhìn đâu cũng thấy nhựa. Báo cáo của Quỹ Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những chi phí tiềm ẩn của tình trạng ô nhiễm này.
Ông Alex Kubasu - Điều phối viên Chương trình Sáng kiến kinh tế tuần hoàn, Quỹ Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên: "Bạn có thể tưởng tượng một quốc gia như Kenya, nằm trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, phải chi từ 150 đến 200 USD để quản lý một kg nhựa so với một quốc gia phát triển, giàu có chỉ cần chi 19 USD để quản lý 1 kg nhựa. Và quan trọng nhất, Kenya thậm chí còn không được tham gia vào các cuộc đàm phán trong thiết kế hay trong giới hạn hoạt động sản xuất nhựa".
Báo cáo cũng xác định ba bất bình đẳng về cơ cấu làm tăng tác động lên các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Thứ nhất, các quốc gia này có ảnh hưởng tối thiểu đến các quyết định sản xuất và thiết kế các sản phẩm nhựa, chủ yếu được sản xuất ở các quốc gia có sản lượng nhựa dồi dào và bởi các công ty đa quốc gia có trụ sở chính ở nơi khác.
Bất bình đẳng thứ hai được nhấn mạnh là tốc độ sản xuất nhựa nhanh chóng, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần, vượt quá nguồn lực tài chính và kỹ thuật sẵn có để quản lý chất thải ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Bất bình đẳng thứ ba được báo cáo nhấn mạnh là thiếu cơ chế công bằng để buộc các quốc gia và công ty phải chịu trách nhiệm về hành động đối với ô nhiễm nhựa.
Trước tình hình này, các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực đẩy mạnh đầu tư vào năng lực tái chế rác thải nhựa. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là những bất cập về kỹ thuật, tài chính nhằm mở rộng quy mô và giải quyết các thiếu sót về cơ sở hạ tầng phục vụ cho tái chế nhựa.
Giải bài toán rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu và là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia chứ không chỉ riêng một nước nào. Câu chuyện đặt ra là lựa chọn giảm sản xuất nhựa hay quản lý rác thải nhựa - đây vẫn là điều gây tranh cãi trong các cuộc thảo luận về một hiệp ước toàn cầu chống rác thải nhựa. Dù vậy, các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách, người dân đều thống nhất rằng cần sớm có một hiệp ước toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý toàn cầu, có quy mô tương tự như Thảo thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Vòng đàm phán thứ ba đang diễn ra tại Kenya, như Tổng thống Kenya nêu ra, được kỳ vọng sẽ là một viên domino đầu tiên, tạo hiệu ứng toàn cầu trong cuộc chiến này. Và thế giới sẽ còn hai phiên họp nữa về vấn đề này để có thể đưa ra được một hiệp ước toàn cầu chống rác thải nhựa vào năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!