Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Nepal đã mất gần 1/3 lượng băng chỉ sau hơn ba thập kỷ.
Từ "nóc nhà của thế giới", ông Guterres kêu gọi hành động ngay lập tức, chấm dứt thời đại nhiên liệu hóa thạch để bảo vệ người dân và tránh tình trạng hỗn loạn khí hậu tồi tệ nhất. Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh, thế giới không thể chờ đợi thêm.
Phát biểu của ông Guteres được đưa ra khi chỉ một tháng nữa sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28). Đây được đánh giá là một hội nghị quan trọng vì các nhà lãnh đạo thế giới sẽ lần đầu tiên đánh giá những mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, cuộc sống của con người và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác. Do vậy, giới chuyên gia khuyến cáo thế giới cần hành động khi chưa quá muộn.
Theo Giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường của Đại học Pennsylvania (Mỹ), ông Michael E. Mann, hiện khí hậu chưa rơi vào giai đoạn mất kiểm soát, nhưng đang ngày càng xấu đi và tình hình rất nghiêm trọng. Mặc dù chúng ta vẫn chưa đến giai đoạn mà các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tăng đến mức không thể kiểm soát và cũng chưa có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đã vượt qua "ngưỡng không thể quay lại", nhưng điều này có nguy cơ xảy ra nếu chúng ta tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nung nóng hành tinh.
Do đó, ông Michael E. Mann cho rằng thế giới vẫn còn thời gian để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất xảy ra nếu hành động ngay từ bây giờ. Ông nhấn mạnh, điều quan trọng hiện nay là tốc độ giảm phát thải. Đó là lý do Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đề cập việc giảm 50% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 và phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này, để có thể hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 1,5°C.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!