Thế giới chật vật phục hồi trong ngắn hạn trước các thách thức lâu dài

Minh Quang-Chủ nhật, ngày 30/07/2023 20:02 GMT+7

(Ảnh: Pixabay)

VTV.vn - Kinh tế thế giới đã có sự phục hồi tích cực hơn so với mức dự báo cách đây 3 tháng.

Sau 3 tháng nhìn lại, lạm phát được nhận định là hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến, những gián đoạn về chuỗi cung ứng được nối lại, chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng hiện đã trở lại mức trước đại dịch. Tuy nhiên, báo cáo cập nhật về kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế mới được công bố đã lưu ý rằng sự phục hồi hiện nay là trong ngắn hạn, trong khi các thách thức lại mang tính lâu dài.

Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu vừa cập nhật trong tuần qua của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, triển vọng kinh tế toàn cầu đã tích cực hơn. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu trong năm 2023 là 3%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4.

Ông Daniel Leigh, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu kinh tế thế giới thuộc IMF, nói: "Nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại nhưng có khả năng phục hồi nhiều hơn chúng ta mong đợi. Đó là bởi nhiều nền kinh tế đã chứng kiến các lĩnh vực dịch vụ và du lịch hoạt động mạnh mẽ hơn dự kiến".

Tuy nhiên, IMF cho rằng quá trình phục hồi còn nhiều thách thức. Dự báo tăng trưởng giai đoạn 2023 - 2024 thấp hơn nhiều so với mức trung bình hàng năm là 3,8% trong giai đoạn 2000 - 2019, chủ yếu là do hoạt động sản xuất yếu hơn ở các nền kinh tế tiên tiến và có thể duy trì ở mức đó trong nhiều năm.

Thế giới chật vật phục hồi trong ngắn hạn trước các thách thức lâu dài - Ảnh 1.

(Ảnh: OMFIF)

Theo IMF, dù áp lực lạm phát và căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng có giảm nhưng cán cân rủi ro mà kinh tế toàn cầu phải đối mặt vẫn nghiêng về phía tiêu cực và tín dụng bị thắt chặt. Trong khi đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy, hoạt động toàn cầu đang mất đà cũng như các sức ép về tình trạng dân số già, thiếu hụt lao động tại nhiều nền kinh tế.

Ông Pierre-Olivier Gourincha, nhà kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ quốc tế, cho biết: "Nếu chúng ta nhìn hẹp vào cuộc chiến chống lạm phát, điều đó đang đè nặng lên tăng trưởng vì các ngân hàng trung ương đã thắt chặt chính sách tiền tệ và điều này sẽ kéo dài cho đến khi lạm phát trở lại mức mục tiêu hoặc gần với mục tiêu của ngân hàng trung ương. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ mất một năm, một năm rưỡi nữa".

IMF nhận định, sự gia tăng tình trạng phân mảnh địa kinh tế, với việc nền kinh tế toàn cầu có khả năng bị chia cắt thành các khối cạnh tranh, sẽ gây tổn hại lớn nhất cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Các nước nghèo cũng sẽ dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc khí hậu nghiêm trọng do không có đủ hành động ứng phó biến đổi khí hậu. IMF cho rằng hợp tác đa phương vẫn là cách tốt nhất để đảm bảo một nền kinh tế an toàn và thịnh vượng cho tất cả mọi người.

IMF: Triển vọng kinh tế toàn cầu yếu nhất trong nhiều thập kỷ IMF: Triển vọng kinh tế toàn cầu yếu nhất trong nhiều thập kỷ

VTV.vn - Trong 5 năm tới, nền kinh tế thế giới phải đối mặt với thời kỳ tăng trưởng yếu nhất kể từ những năm 1990 do đại dịch COVID-19 và các căng thẳng địa chính trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước