Các dữ liệu vệ tinh được thu thập từ năm 1979 cho thấy, cả độ dày lớp băng và diện tích biển đóng băng ở Bắc Cực đều giảm đáng kể, nhất là trong những tháng mùa hè. Theo Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ, diện tích băng Bắc Cực trong tháng 3/2017 là 14,5 triệu km2 – mức thấp nhất được ghi nhận từ năm 1979.
Việc băng tan đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác tài nguyên thiên nhiên tại Bắc Cực. Hơn nữa, việc lượng băng tại Bắc Cực giảm đi và lớp băng mỏng hơn đang mở ra tuyến đường thương mại mới. Điều này khiến các con tàu chở dầu và chở hàng có thể đi qua tại hành lang phía Tây Bắc. Đây sẽ là tuyến đường biển thương mại mà các nhà khai thác đã tìm kiếm từ thế kỷ 15.
Thế giới đã được thông báo về một tuyến đường vận chuyển từ châu Á sang châu Âu, rút ngắn được 5.000 km so với tuyến đường qua kênh đào Panama hiện nay.
Các tuyến hàng hải qua Bắc Cực ngày một nhiều lên.
Bắc Cực đang chứng kiến cuộc chiến tranh lạnh giữa các nước tuyên bố chủ quyền và cả các nước có tiềm lực muốn khai thác tiềm năng của vùng đất băng giá này. Sự quan tâm của các nước trên thế giới về Bắc Cực ngày càng tăng lên thể hiện tầm nhìn chiến lược của các quốc gia với Bắc Cực cũng đang dần thay đổi. Với đà nóng lên của Trái đất hiện nay, các nguồn tài nguyên được hé lộ, các tuyến hàng hải qua đây trở nên đông đúc hơn, điều đó mang lại nguy cơ lớn với Bắc Cực như phân định thềm lục địa theo quy tắc của Công ước LHQ về Luật Biển, phân định tuyến hàng hải quốc tế, vấn đề về bảo vệ môi trường và vấn đề ứng phó xảy ra tình huống nguy hiểm.
Nga là một trong những nước có vùng lãnh thổ quốc gia ở Bắc Cực và cũng là một trong những nước đặc biệt quan tâm đến khu vực này. Theo phóng viên Duy Nghĩa – Thường trú THVN tại Moscow, Nga đang tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và phương tiện tại Bắc Cực.
"Nga đang triển khai các hệ thống bảo vệ bờ biển hiện đại như pháo, tên lửa, radar. Tuy nhiên, như Tổng thống Nga Putin tuyên bố tại Diễn đàn về Bắc Cực vừa qua cũng như tại nhiều diễn đàn khác, các hoạt động quân sự của Nga ở Bắc Cực chỉ mang tính khu vực trên lãnh thổ của Nga nhằm bảo vệ biên giới và lợi ích quốc gia. Nga tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và phương tiện cần thiết để bảo đảm an ninh cho hoạt động giao thông hàng hải ở Bắc Cực.
Nga cho rằng, tại Bắc Cực, không tiềm ẩn nguy cơ xung đột trong khi đã có các Định chế quốc tế quy định rõ quyền hạn của các nước ven biển gồm Mỹ, Canada, Na Uy, Nga và Đan Mạch. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu khoa học đảm bảo nâng cao cư dân đang sống tại Bắc Cực cũng là cách để khẳng định chủ quyền của Nga tại Bắc Cực".
Các cuộc cạnh tranh ngầm đang diễn ra ở Bắc Cực.
Về chiến lược tại Bắc Cực trong thời gian tới, phóng viên Duy Nghĩa cho biết, Chính phủ Nga đang triển khai chương trình quốc gia phát triển Bắc Cực với khoảng 150 dự án trị giá hàng nghìn tỷ Rúp thông qua Ủy ban Nhà nước về phát triển Bắc Cực. "Ưu tiên hàng đầu của Nga hiện nay là xây dựng tuyến hàng hải phương Bắc. Theo tính toán, tuyến hàng hải này sẽ vận chuyển phần lớn hàng hóa giữa châu Âu và châu Á mang tính cạnh tranh cao hơn hẳn tuyến đường biển hiện nay do rút ngắn được khoảng cách, có độ an toàn cao. Không đi qua vùng chiến sự và các vùng biển phức tạp về khí hậu cũng như cướp biển. Chính phủ Nga tích cực phát triển đội tàu phá băng hiện đại để dẫn dắt các tàu chở hàng. Bên cạnh đó, Nga đang thực hiện mục tiêu chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong việc cung cấp khí đốt, khí gas hóa lỏng trên thế giới bằng đội tàu chuyên dụng, bởi có đến 80% lượng khí gas do Nga khai thác có xuất xứ Bắc Cực. Mục tiêu chiến lược Bắc Cực của Nga là khai thác hiệu quả vùng đất này, đóng góp 11% GDP và 25% kim ngạch xuất khẩu".
Chạy đua vũ trang nhưng chưa tới mức xung đột quân sự
Ngoài nước Nga, ông Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao nhận định, cuộc cạnh tranh ở Bắc Cực còn có sự hiện diện của Canada, Na Uy, Đan Mạch và đặc biệt là Mỹ vốn có biên giới với Bắc Cực. Ngoài ra, với các nước không có đường biên giới với Bắc Cực thì quan tâm tới nghiên cứu khoa học, tìm kiếm tài nguyên, các tuyến vận tải biển mới.
"Các nhà khoa học ví Bắc Cực vào mùa tan băng giống như chiếc bánh thơm ngon mới lấy ra từ tủ lạnh và khiến các bên thèm muốn. Tại Bắc Cực không chỉ có nước mà còn cả vùng đất đai rộng lớn, dưới đáy biển cũng nhiều tiềm năng và cả trên không", ông Thái cho hay.
Ông Thái nhận định, tại Bắc Cực đang có sự cạnh tranh về 4 phương diện. "Đầu tiên là cạnh tranh về chính trị, quân sự. Cạnh tranh giữa các nước lớn về mặt chính trị đang gia tăng ở khu vực này, nhất là giữa Mỹ và Nga. Dù ở hai châu lục khác nhau, nhưng Bắc Cực là khu vực biến hai bên trở thành láng giềng. Các nước đều tăng cường sự hiện diện về mặt quân sự.
Một mỏ khai thác kim cương ở Bắc Cực.
Về khai thác tài nguyên, do quá trình tan băng diễn ra nhanh hơn dự kiến, vào mùa hè, các nhà khoa học phát hiện ra ngày càng nhiều trữ lượng khoáng sản, đặc biệt là dầu lửa, khí đốt, vàng, kim cương, niken và đồng. Cũng vào mùa hè, khu vực này hình thành một tuyến đường vận tải mới nối tất cả quốc gia giàu có nhất như Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Bắc Á. Ví dụ, nếu đi từ Yokohama, Nhật Bản xuất khẩu sang Bắc Mỹ vào mùa hè, sẽ tiết kiệm được 8.000 hải lý đường biển cùng với chi phí.
Về cạnh tranh mở rộng phạm vi lãnh thổ, theo quy định của Công ước LHQ về Luật Biển, các quốc gia đều tìm cách mở rộng thềm lục địa dẫn tới các khu vực chồng lấn do các tuyên bố khác nhau của mỗi nước".
Tuy nhiên, ông Thái khẳng định, xung đột quân sự lúc này vẫn còn là điều xa vời, có chăng là chạy đua vũ trang. Nếu có cạnh tranh hay chạy đua vũ trang cũng chỉ ở mức độ vừa phải. Trong tương lai ngắn và trung hạn thì chưa thể dẫn để xung đột vũ trang hay chiến tranh quy mô lớn tại Bắc Cực.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!