Bắc Cực không chỉ là nơi lạnh nhất của Trái Đất mà hiện đang là tâm điểm của thế giới liên quan đến những nguy cơ thách thức do quá trình nóng lên của trái đất, đến việc khai thác và bảo vệ môi trường tại đây.
Chính vì vậy, diễn đàn lần này đã thu hút sự quan tâm của gần 2.500 đại biểu là các nguyên thủ, các chính khách, các nhà khoa học của 15 quốc gia giáp ranh Bắc Cực và có liên quan.
Chủ đề chính của diễn đàn lần này là con người tại Bắc Cực bàn về việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đảm bảo cho sự phát triển Bắc Cực; an ninh cho các hoạt động sinh kế của cư dân; y tế và bảo vệ sức khoẻ trong môi trường Cực Bắc; triển vọng phát triển cho các thành phố Phương Bắc.
Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nga Rogozin nhấn mạnh, cách tiếp cận của Liên bang Nga là hướng tới sự hợp tác quốc tế nhằm khai thác ổn định và hiệu quả Bắc Cực như một lãnh thổ cho một cuộc sống tiện nghi, của lao động và nghỉ dưỡng.
Theo Phó Thủ tướng Nga, việc phát triển bền vững khu vực Bắc Cực chính là việc khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, xây dựng hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường cũng như nâng cao tính hấp dẫn đầu tư khu vực Cực Bắc của Vùng Viễn Đông.
Vấn đề khoa học công nghệ cho Bắc Cực cũng là vấn đề được các nhà tổ chức diễn đàn chú trọng, kêu gọi sự thảo luận sâu rộng cho một sự hợp tác quốc tế và khu vực tại Bắc Cực trong lĩnh vực công nghệ cao và an ninh năng lượng.
Các nhà khoa học Nga và thế giới đã cảnh báo rằng, quá trình ấm lên toàn cầu cùng với việc tầng ozon bị tàn phá, các khối băng vĩnh cửu tại Bắc Cực đang tan ra ảnh hưởng tiêu cực đến 800 triệu người trên toàn thế giới, nhiều khu vực nông nghiệp sẽ bị nước biển dâng nhấn chìm, trong đó có nhiều khu vực của Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!