Năm 2022 đánh dấu năm thứ 8 liên tiếp mà nhiệt độ toàn cầu nóng hơn ít nhất 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 8 năm qua cũng là 8 năm nóng nhất trong lịch sử kể từ khi các số liệu được ghi lại. Đây là những thông tin rất đáng chú ý vừa được Tổ chức Khí tượng thế giới công bố tuần qua.
Mặc dù đang trong giai đoạn chịu tác động của hiện tượng La Nina, tức là đã có yếu tố làm mát, nên tính chung toàn cầu, 2022 là năm nóng thứ 5 trong lịch sử. Tuy nhiên, tại một số nơi như châu Âu, 2022 là năm nhiệt độ cao kỷ lục từ trước đến nay.
Liên hợp quốc một lần nữa cảnh báo, thế giới đang tiến đến ngưỡng không thể đảo ngược tình trạng biến đổi khí hậu và năm 2022 vừa ghi nhận những kỷ lục buồn.
Những kỷ lục buồn về biến đổi khí hậu
Những khu dân cư vẫn ngập trong biển nước, những đống đổ nát vẫn chưa thể thu dọn, những lớp học tạm bợ ngoài trời... đó là những hình ảnh vừa được ghi lại vào những ngày giữa tháng 1 năm 2023 tại Jaffarabad, tỉnh Balochistan của Pakistan.
"Mùa màng đã bị lũ lụt phá hủy, gây ra tình trạng thiếu rau và các thực phẩm khác" - ông Yasir Abbassi, một người dân Pakistan, chia sẻ.
Ông Mahmoob Abbassi, người dân Pakistan, cho biết: "Thiếu bột mì quá, chúng tôi phải xếp hàng dài mới mua được".
Người dân Pakistan chịu ảnh hưởng nặng nề do mùa màng bị lũ lụt phá hủy (Ảnh: AP)
Hơn 4 tháng sau trận lụt lịch sử, hàng triệu người Pakistan vẫn đang gồng mình chống chọi những khó khăn chồng chất. Một phần ba đất nước chìm trong biển nước, hơn 1.700 người thiệt mạng, 33 triệu người bị ảnh hưởng…
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (Ảnh: AP)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh nhấn mạnh: "Trái tim tôi tan nát khi tận mắt chứng kiến sự tàn phá hoàn toàn do trận lũ lụt mùa hè năm ngoái. Không quốc gia nào đáng phải chịu những gì đã xảy ra với Pakistan".
Pakistan ước tính, cần ít nhất 16 tỷ USD trong 3 năm tới để khắc phục hậu quả thiên tai.
Năm 2022 ghi nhận tình trạng hạn hán tồi tệ tại nhiều quốc gia (Ảnh: AP)
Năm 2022 đánh dấu những thiệt hại chưa từng có từ những hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Ngày 10/1, Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, 2022 đã trở thành năm nóng nhất thứ 5 kể từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu vào thế kỷ 19.
Cơ quan Khí tượng Anh ngày 5/1 xác nhận, 2022 là năm nóng nhất trong lịch sử nước Anh với mức nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1884. Vào tháng 7, lần đầu tiên trong lịch sử, nhiệt độ tại Anh vượt 40 độ C.
Ngày 6/1, Cơ quan Thời tiết quốc gia Pháp cho biết, nước này đã trải qua năm 2022 với nhiệt độ trung bình cao nhất và lượng mưa thấp nhất.
Theo Viện Khoa học khí quyển của Italy, năm 2022 là năm nóng nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được thu thập tại nước này vào năm 1800.
Số liệu cập nhật từ Cơ quan Thời tiết quốc gia Aemet của Tây Ban Nha xác định, năm 2022, Tây Ban Nha đã trải qua năm nắng nóng nhất kể từ khi cơ quan khí tượng nước này bắt đầu ghi nhận dữ liệu.
Còn theo Cơ quan Môi trường của Slovenia, trong năm qua, nhiệt độ ở nước này cũng đã ở mức cao nhất kể từ khi Slovenia bắt đầu đo nhiệt độ.
Hơn 15.000 người ở châu Âu đã tử vong trong năm qua do nắng nóng khắc nghiệt chưa từng thấy. Châu Âu cũng chứng kiến đợt hạn hán tồi tệ nhất ở lục địa này trong 500 năm qua.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, ở hầu hết các vùng đất, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng tình trạng thời tiết cực đoan, khiến các đợt sóng nhiệt trở nên nghiêm trọng hơn và thường xuyên hơn.
Tại Vùng Sừng châu Phi, đợt hạn hán dài nhất từ trước tới nay đe dọa an ninh lương thực, đẩy 22 triệu người tới bờ vực nghèo đói.
Miền Nam Trung Quốc cũng đã hứng chịu hạn hán khủng khiếp nhất sau đợt sóng nhiệt dai dẳng và quy mô lớn nhất, khiến nước này có một mùa hè khô hạn thứ hai trong lịch sử.
Tại Mỹ, ngay từ đầu tháng 9, nhiệt độ tại thung lũng trung tâm của bang California lên tới 42,7 độ C.
Cuối tháng 9, bão Ian tàn phá bang Florida. Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử nước Mỹ, với sức gió lên tới 240 km/h.
Đến cuối năm, bang New York trải qua một mùa giáng sinh trong bão tuyết tồi tệ nhất trong hơn 50 năm. Tuyết rơi dày đến 1,2 m, có nơi nhiệt độ xuống dưới -40 độ C. Thời tiết lạnh giá khắc nghiệt ảnh hưởng tới khoảng 150 triệu người.
Thủ đô Moscow của Nga mùa đông năm 2022 cũng đã hứng chịu trận tuyết rơi kỷ lục, tuyết phủ dày 40 cm, mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1989 cho tới nay.
Cựu Đại sứ Liên hợp quốc về người tị nạn Angelina Jolie (Ảnh: AP)
Diễn viên Angelina Jolie - Cựu Đại sứ Liên hợp quốc về người tị nạn - cho rằng: "Tôi nghĩ đây là một hồi chuông cảnh tỉnh thực sự với thế giới nơi chúng ta đang sống. Biến đổi khí hậu không chỉ có thật mà đang hiện hữu khắp nơi".
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, số lượng các thảm họa thiên nhiên đã tăng gấp 5 lần trong nửa thế kỷ qua và gây thiệt hại gấp 7 lần so với những năm 1970. Những thảm họa thiên nhiên trong năm 2022 đã trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Quỹ Tổn thất và thiệt hại - Thỏa thuận đột phá tại COP27
Tại các hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, các cuộc đàm phán luôn căng thẳng do bất đồng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, liên quan đến việc ai phải gánh trách nhiệm lớn hơn, ai phải bỏ ra nhiều tiền hơn để đóng góp vào việc cắt giảm khí thải, ứng phó biến đổi khí hậu. Nhưng trong những hội nghị gần đây, đại diện các nước cũng đã có những nỗ lực để đạt được những thỏa thuận quan trọng. Và gần đây nhất chính là thỏa thuận mang tính đột phá tại hội nghị COP27 vừa qua về việc thành lập một quỹ tên là Quỹ Tổn thất và thiệt hại - ý tưởng ở đây là để chi trả cho những thiệt hại mà các nước nghèo hơn phải hứng chịu vì tình trạng biến đổi khí hậu.
Quỹ Tổn thất và thiệt hại được thông qua sau hơn 2 tuần đàm phán căng thẳng về yêu cầu của các quốc gia đang phát triển là các nước giàu gây ô nhiễm phải bồi thường những thiệt hại mà các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra.
Các nước G20 chiếm khoảng 75% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Trong khi đó, Pakistan đã thiệt hại 30 tỷ USD do lũ lụt nghiêm trọng nhưng chỉ thải ra chưa đến 1% lượng khí thải. Các quốc gia châu Phi mặc dù có ít khí thải nhưng phải chi gấp 5 lần cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu so với mức chi cho chăm sóc sức khỏe.
Ông Collins Nzovu - Bộ trưởng Bộ Kinh tế xanh và Môi trường Zambia - cho biết: "Đây là kết quả thật sự tích cực với 1,3 tỷ người châu Phi. Rất đáng mừng đối với chúng tôi".
Bà Tasneem Essop từ Mạng lưới Hành động vì khí hậu cho rằng: "Thỏa thuận thiết lập quỹ tổn thất và thiệt hại là một kỳ tích sau 30 năm các quốc đảo nhỏ, các nước dễ bị tổn thương, các nước đang phát triển cố gắng đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự".
Quỹ Tổn thất và thiệt hại dự kiến được chi trả chủ yếu cho những nước dễ bị tổn thương lớn nhất song vẫn có thể sử dụng để trợ giúp cho các nước có thu nhập trung bình đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu.
Quỹ tập trung xây dựng nhà cửa, cầu đường bị tàn phá và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ nghiêm trọng, lớn hơn nữa là ứng phó với nguy cơ biến mất các nền văn hóa và các hòn đảo do mực nước biển dâng cao.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (Ảnh: AP)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: "Hội nghị này đã thực hiện một bước quan trọng hướng tới công lý. Tôi hoan nghênh quyết định thành lập Quỹ Tổn thất và thiệt hại, đó là một tín hiệu chính trị rất cần thiết để xây dựng lại niềm tin đã bị phá vỡ. Tiếng nói của những người tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu phải được lắng nghe".
Những điều khoản chi tiết về hoạt động của quỹ này sẽ phải chờ thêm ít nhất 1 năm nữa, đến khi lãnh đạo các nước tiếp tục cụ thể hóa tại COP28.
Chuyển đổi xanh - Xu hướng tất yếu
Tăng trưởng xanh và rộng hơn là chuyển đổi xanh đòi hỏi chi phí lớn nhưng đã và đang trở thành xu hướng chung của thế giới để hướng tới một tương lai sạch hơn, đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng không vào giữa thế kỷ này.
Báo cáo vừa được công bố tuần qua của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) nhận định: "Thế giới đang ở bình minh của thời đại công nghiệp mới của ngành sản xuất công nghệ năng lượng sạch", với dự báo năng lượng sạch sẽ tăng gấp ba lần giá trị vào năm 2030 và tạo ra hàng triệu việc làm.
Ngày 12/1, Thụy Điển phát hiển mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu với trữ lượng hơn 1 triệu tấn. Trong bối cảnh cả châu lục đang đối mặt khủng hoảng năng lượng, mỏ đất hiếm được kỳ vọng hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh tại EU khi đây là nguồn tài nguyên quan trọng trong chế tạo pin xe điện, pin mặt trời, turbine gió, các thiết bị điện tử phục vụ công nghệ năng lượng tái tạo như các vật liệu siêu dẫn, nam châm vĩnh cửu cho các máy phát điện.
Bà Ebba Busch - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Thụy Điển - cho biết: "Đây thực sự là một ngày quan trọng đối với Thụy Điển và toàn Liên minh châu Âu. Đây là một sự kiện quan trọng có thể đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo một quá trình chuyển đổi xanh trong EU".
Trước đó, EU đã đưa ra kế hoạch RepowerEU, trong đó có đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng tái tạo, thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng từ Nga. Các nước thành viên như Pháp, Đức, Na Uy cũng đẩy nhanh các dự án năng lượng sạch.
Trong khi đó, các nền kinh tế lớn cũng đưa ra các chiến lược tương tự. Mỹ đưa ra đạo luật giảm lạm phát với các nội dung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, Nhật Bản có chương trình chuyển đổi xanh trong khi Ấn Độ cũng đưa ra chương trình khuyến khích liên kết sản xuất. Trung Quốc đi đầu trong phát triển công nghệ năng lượng sạch khi sản xuất tới 72% số module năng lượng mặt trời và 45% turbine gió trên thế giới.
Đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng tái tạo đang là chiến lược được nhiều quốc gia ưu tiên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (Ảnh: AP)
Bà Wang Dan - Nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Hang Seng, Trung Quốc - cho biết: "Đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng mặt trời đã tăng gấp 3 lần trong năm nay so với mức của năm ngoái".
Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) - nhận định: "Chúng ta đang chứng kiến các công nghệ năng lượng sạch phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới. Nếu mọi thứ được công bố được triển khai, các khoản đầu tư chảy vào sản xuất các công nghệ năng lượng sạch sẽ cung cấp 2/3 những gì cần thiết trong lộ trình hướng tới mức phát thải ròng bằng 0".
Theo báo cáo của IEA, các công nghệ năng lượng xanh như pin mặt trời, turbine gió, pin xe điện… sẽ trị giá khoảng 650 tỷ USD mỗi năm vào cuối thập kỷ này. Con số này lớn gấp 3 lần hiện tại với điều kiện các quốc gia thực hiện đầy đủ các cam kết về năng lượng và khí hậu. Các công việc liên quan năng lượng sạch cũng sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 6 triệu lên gần 14 triệu việc làm vào năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!