Thế giới ngừng tiêu thụ động vật hoang dã, phòng chống dịch bệnh COVID-19

VTV9-Thứ tư, ngày 04/03/2020 10:03 GMT+7

VTV.vn - Trên thế giới đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã vì chúng được xem là nguyên nhân bắt nguồn của virus SARS-CoV-2.

Tính đến 5h ngày 4/3, dịch COVID-19 đã xuất hiện ở 77 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 92.000 người mắc và trên 3.000 người tử vong. COVID-19 vẫn gieo rắc nỗi lo lắng khắp nơi, nhưng theo các nhà bảo tồn tự nhiên, dịch bệnh cũng mang lại một điều tích cực, đó là ý thức hạn chế tiêu thụ động vật hoang dã đã được nâng cao.

Virus SARS-CoV-2 được cho là tồn tại trong loài dơi, truyền sang vật chủ trung gian là tê tê và lây sang con người. Chính phủ Trung Quốc đã ban lệnh cấm khẩn cấp và toàn diện việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Mới đây, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã kêu gọi Chính phủ các nước ở Đông Á và Đông Nam Á tiếp bước Trung Quốc ban hành lệnh cấm vĩnh viễn việc tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã.

Lệnh cấm này được coi là hợp lý vì thực tế trong thời gian qua đã chứng minh, thịt động vật hoang dã có thể ẩn chứa những mầm bệnh nguy hiểm mà hệ miễn dịch của con người không có khả năng chống lại. Chính xác có tới 70% bệnh truyền nhiễm trên con người hiện nay lây từ động vật hoang dã. Trước thực trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường quản lý hoạt động nuôi nhốt, buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã. Tuy nhiên, ở một số nơi, tình trạng buôn bán và tiêu thụ các loài này vẫn rất khó kiểm soát.

Bên cạnh việc làm món ăn, các bộ phận của động vật hoang dã còn được không ít người xem là “thần dược” trị bách bệnh, trong đó nổi bật là sừng tê giác. Do đó, nhiều người vẫn mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã bất chấp lệnh cấm. Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cần Thơ (Cục Hải quan thành phố Cần Thơ) cho biết đang tiến hành các thủ tục để giám định số tang vật nghi là sừng tê giác mà đơn vị phát hiện và thu giữ khi làm thủ tục nhập cảnh cho chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam.

Liên quan tới sừng tê giác, vào cuối năm 2019, một trẻ 22 tháng tuổi được chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vì bị ngộ độc sau khi gia đình cho uống bột mài ra từ sừng tê giác để chữa sốt co giật. Các bác sỹ đã cho bệnh nhi thở máy, truyền dịch, sử dụng than hoạt tính để hấp phụ độc chất, thay máu... và cứu được trẻ này. Các chuyên gia đã khẳng định, sừng tê giác chỉ là chất sừng keratin giống như móng tay, móng chân và tóc người, hoàn toàn không có khả năng chữa bệnh nan y như đồn thổi.


Chợ tại Indonesia 'hồn nhiên' bán thịt rắn, dơi, chuột bất chấp dịch COVID-19 Chợ tại Indonesia "hồn nhiên" bán thịt rắn, dơi, chuột bất chấp dịch COVID-19

VTV.vn - Bất chấp các cảnh báo từ chính quyền Indonesia về mối liên hệ tiềm tàng giữa thịt rừng và virus SARS-CoV-2, ngôi chợ nổi tiếng ở Sulawesi vẫn bày bán thịt rắn, dơi, chuột.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước