Ấn Độ vừa trải qua một đợt nóng kỷ lục, có những nơi nhiệt độ lên đến gần 50 độ C (Ảnh: Getty Images)
Đây là thông tin mới nhất đến từ Cơ quan Giám sát Biến đổi khí hậu Copernicus.
Mặc dù đã được cảnh báo trước về một mùa hè 2024 gay gắt và đổ lửa nhưng những gì mà thế giới vừa trải qua trong đợt nắng nóng khắc nghiệt của tháng 4 và tháng 5 vừa qua một lần nữa đã rung lên hồi chuông cảnh báo cho toàn cầu.
Đến thời điểm này, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng qua đã cao hơn 1,63oC so với mức nhiệt trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là khoảng thời gian ấm nhất kể từ khi các dữ liệu bắt đầu được ghi chép vào năm 1940.
Ông Carlo Buontempo - Giám đốc của Copernicus, người đã cảnh báo về những điều tồi tệ hơn sắp xảy ra trên toàn cầu - cho biết đợt nắng nóng kéo dài 12 tháng này là "cú sốc nhưng không có gì đáng ngạc nhiên" bởi hầu hết là do biến đổi khí hậu gây ra.
Copernicus đã công bố dữ liệu cùng ngày khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres có bài phát biểu đầy nhiệt huyết ở New York về biến đổi khí hậu, nhắc đến các công ty nhiên liệu hóa thạch đang gây ra "sự hỗn loạn khí hậu" và lần đầu tiên kêu gọi tất cả các quốc gia cấm quảng cáo các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch.
Ông Guterres cũng nhấn mạnh các nhà lãnh đạo thế giới cần nhanh chóng kiểm soát cuộc khủng hoảng khí hậu đang gia tăng hoặc sẽ đối mặt với những tình trạng nắng nóng gay gắt nguy hiểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!