Thế vận hội mùa đông 2022 và chiến lược Zero COVID của Trung Quốc

An Ngọc-Thứ năm, ngày 13/01/2022 10:35 GMT+7

VTV.vn - Còn 3 tuần nữa Thế vận hội mùa đông 2022 sẽ diễn ra tại Trung Quốc. Tuy nhiên, một loạt các đợt bùng phát COVID-19 đang đặt ra nhiều thách thức với nước này.

Dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát, phủ bóng đen u ám lên Thế vận hội mùa đông 2022

Tính đến thứ Tư (12/1), hơn 20 triệu người dân Trung Quốc ở ít nhất 5 thành phố đang thực hiện lệnh phong tỏa do COVID-19. Đặc biệt đáng lo ngại là đợt bùng phát gần đây ở Thiên Tân, một thành phố cảng chỉ cách Bắc Kinh khoảng 120 km. Các quan chức vẫn chưa xác định được nguồn gốc của đợt bùng phát ở Thiên Tân khiến 137 người nhiễm bệnh, trong đó có ít nhất 2 người mang biến thể Omicron.

Giới chức y tế địa phương nhận định, có khả năng virus đã lây lan trong cộng đồng một thời gian. Hiện Thiên Tân đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ 14 triệu cư dân thành phố. Xét nghiệm hàng loạt là phương pháp chính trong chính sách Zero COVID - không có ca mắc COVID-19 của Trung Quốc.

Thế vận hội mùa đông 2022 và chiến lược Zero COVID của Trung Quốc - Ảnh 1.

Người dân Thiên Tân xếp hàng xét nghiệm COVID-19 sau khi thành phố này ghi nhận đợt bùng phát dịch mới. (Ảnh: Reuters)

Sự gia tăng số ca bệnh ngay trước thời điểm Thế vận hội mùa đông 2022 (Bắc Kinh 2022) diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn vận động viên, nhà báo và quan chức, đang nhấn mạnh thách thức mà nước chủ nhà Trung Quốc phải đối mặt trong việc cố gắng tổ chức Thế vận hội mà vẫn vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn Zero COVID. Trung Quốc là một trong số ít quốc gia còn lại trên thế giới theo đuổi chính sách Zero COVID bất chấp các biện pháp nghiêm ngặt và cái giá phải trả đối với nền kinh tế và cuộc sống người dân.

Hạn chế với Bắc Kinh 2022

Nước chủ nhà Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh 2022 dự kiến ​​bắt đầu vào 4/2, sẽ là sự kiện thể thao quy mô lớn bị hạn chế đặc biệt nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. Những người chưa được tiêm chủng sẽ phải trải qua 21 ngày cách ly ở Bắc Kinh. Những người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ được yêu cầu ở trong một "bong bóng" khép kín được quản lý chặt chẽ từ khi họ đến Bắc Kinh cho đến khi rời đi. Họ cũng phải xuất trình 2 xét nghiệm âm tính trước khi đến, làm các xét nghiệm hằng ngày và báo cáo sức khỏe cho cơ quan chức năng bằng ứng dụng dành cho thiết bị di động. Bên trong "bong bóng" có phương tiện đi lại giữa các địa điểm, thậm chí hệ thống đường sắt riêng.

Hiện ban tổ chức vẫn chưa mở bán vé của Bắc Kinh 2022. Các hãng hàng không đang thay đổi lịch trình, gây ra nhiều xáo trộn trong việc di chuyển. Tuy nhiên, phát ngôn viên của ban tổ chức, Zhao Weidong, đã khẳng định, "Bất chấp những khó khăn và thách thức mà chúng tôi có thể gặp phải, chúng tôi vẫn quyết tâm tổ chức một Thế vận hội thành công như kế hoạch." Nhưng vẫn còn đó một số câu hỏi cơ bản, bao gồm cả cách cho phép người hâm mộ tham dự. Theo kế hoạch, phần lớn các địa điểm thi đấu chính sẽ ở bên ngoài thủ đô Bắc Kinh. Người hâm mộ sẽ không được phép vào trong "bong bóng" để đảm bảo an toàn cho các vận động viên và những người khác. Ban tổ chức cho biết khán giả chỉ nên vỗ tay chứ không khuyến khích các biện pháp cổ vũ khác.

Thế vận hội mùa đông 2022 và chiến lược Zero COVID của Trung Quốc - Ảnh 2.

Bắc Kinh 2022 áp dụng mô hình "bong bóng" khép kín để phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: Reuters)

Tại Thế vận hội Tokyo mùa hè năm ngoái, hơn 400 ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận trong "bong bóng". Do vậy, Trung Quốc đang cố gắng hết sức để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Bất kỳ ai trong bong bóng có kết quả xét nghiệm dương tính đều phải ở trong bệnh viện hoặc cơ sở cách ly an ninh cao của chính phủ cho đến khi có kết quả âm tính sau 2 lần xét nghiệm P.C.R. Quá trình này có thể kéo dài hàng tuần.

Tuy đã đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với Bắc Kinh 2022, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với áp lực lớn trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan. Nhà virus học Jin Dongyan tại Đại học Hong Kong đã bày tỏ nghi ngại: "Rất khó để Trung Quốc đưa các ca bệnh về con số 0 trước Thế vận hội Mùa đông, bởi các đợt dịch ở nhiều địa phương đang bùng phát lần lượt". Các quan chức cũng thừa nhận mối quan ngại của người dân rằng các trường hợp lây nhiễm có thể xảy ra trong "bong bóng" và sau đó lan ra bên ngoài.

Chính sách Zero COVID của Trung Quốc được duy trì như thế nào?

Chính sách Zero COVID-19 của Trung Quốc dựa trên xét nghiệm hàng loạt, kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, truy dấu nguồn gốc lây nhiễm, kiểm dịch trên diện rộng và phong tỏa để chế ngự các đợt bùng phát lẻ tẻ. Trong tháng này, Trung Quốc đã ra lệnh hủy bỏ hơn hai chục chuyến bay theo lịch trình từ Mỹ sau khi một số hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đến Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc gần đây cũng đã tăng cường các hạn chế vốn đã nghiêm ngặt đối với khách du lịch. Ví dụ, bắt đầu từ 13/12, khách du lịch từ Mỹ sẽ được yêu cầu xuất trình ít nhất 2 xét nghiệm âm tính và theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tại thành phố khởi hành trước khi bay đến Trung Quốc.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Seton Hall (Mỹ) - Yanzhong Huang cho biết: "Thế vận hội không chỉ là cơ hội giới thiệu những thành tựu thể thao của Trung Quốc mà còn để chứng thực cách tiếp cận Zero COVID của nước này. Nếu họ có thể giải quyết vấn đề này mà không gây ra bất kỳ đợt bùng phát lớn nào, thì đó sẽ là một huy chương vàng nữa mà Trung Quốc sẽ rất vui khi nhận được".

Thế vận hội mùa đông 2022 và chiến lược Zero COVID của Trung Quốc - Ảnh 3.

Trung Quốc duy trì chính sách Zero COVID để phòng chống dịch COVID-19, bao gồm xét nghiệm, kiểm soát biên giới, truy vết, kiểm dịch trên diện rộng và phong tỏa. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, việc đưa số ca nhiễm về con số 0 trước Thế vận hội có thể rất khó khăn. Biến thể Omicron là thách thức mới nhất đối với chính sách Zero COVID của Trung Quốc. So với biến thể Delta, Omicron còn đặt ra một thách thức lớn hơn vì nó lây lan nhanh hơn và khó bị phát hiện hơn, do tải lượng virus thấp hơn. Đầu tuần này, thành phố 5 triệu dân An Dương ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, đã bị phong tỏa sau khi ghi nhận 58 ca mắc COVID-19, trong đó có ít nhất 2 ca nhiễm biến thể Omicron. 

Nguồn gốc lây nhiễm là một sinh viên từ Thiên Tân đến An Dương vào ngày 28/12 cho thấy, biến thể này đã lưu hành ở 2 thành phố trong gần 2 tuần. Tuy nhiên, không phải đợt bùng phát nào cũng thể truy vết nguồn gốc. Như tại Thâm Quyến, do không thể truy vết, các quan chức cho rằng việc đóng gói các sản phẩm nhập khẩu bị nhiễm virus có thể là nguyên nhân gây bùng dịch, từ đó cảnh báo người dân không mua hàng hóa từ các quốc gia có nguy cơ cao. Tuy vậy, các nghiên cứu cho thấy việc lây nhiễm virus từ bao bì là cực kỳ hiếm gặp.

Thế vận hội mùa đông 2022 và chiến lược Zero COVID của Trung Quốc - Ảnh 4.

Biến thể Omicron là thách thức mới nhất đối với chính sách Zero COVID của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Với việc Thế vận hội sắp diễn ra, Bắc Kinh đã kêu gọi người dân hạn chế đi lại không cần thiết. Các cơ quan y tế của thành phố cũng đang yêu cầu người dân tự báo cáo với chính quyền nếu họ đã đến bất kỳ khu vực nào gần đây bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bùng phát. Tuần này, Bắc Kinh cùng nhiều thành phố khác của Trung Quốc cũng khuyến khích người dân không về quê ăn Tết, tránh đi lại nhiều làm tăng nguy cơ bùng phát dịch.

Ban tổ chức hy vọng công nghệ có thể giúp giảm thiểu sự tương tác của con người. Sắp tới, robot sẽ được đưa vào sử dụng tại Bắc Kinh 2022, có khả năng phát hiện người không đeo khẩu trang và nhắc nhớ họ tuân thủ quy tắc phòng dịch. Ngoài ra, ban tổ chức một lần nữa khẳng định không có kế hoạch phong tỏa thủ đô Bắc Kinh và Thế vận hội sẽ diễn ra như bình thường với việc áp dụng "bong bóng" khép kín.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước