Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Cologne, Đức, ngày 27/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Nguyên nhân là do nguồn cung vaccine hiện nay đang bị thiếu. Trước đó, Anh cũng đã phải áp dụng biện pháp này do chưa có đủ nguồn vaccine.
Hiện Bộ Y tế Đức đã yêu cầu Ủy ban tiêm chủng nghiên cứu khả năng kéo dài thời gian giãn cách giữa hai mũi tiêm. Điều này nhằm tăng số người được tiêm chủng mũi thứ nhất trong khi chờ đợi vaccine được cung cấp cho liều thứ hai.
Với việc kéo dài khoảng thời gian giữa hai lần tiêm chủng, Đức có thể tăng được số lượng vaccine sẵn có trong ngắn hạn và qua đó có thể tăng số người được tiêm chủng.
Không chỉ Đức, giới chức Đan Mạch cũng đang xem xét kéo dài thời gian giãn cách giữa hai mũi tiêm chủng, có thể từ 3-6 tuần.
Trước đó, Anh đã áp dụng biện pháp này, theo đó kéo dài thời gian giãn cách giữa hai mũi tiêm lên 42 ngày, thay vì mức 3 tuần như quy định hiện nay.
Tuy nhiên, hai công ty BioNTech và Pfizer hôm qua đã lên tiếng bác bỏ việc kéo dài thời gian giãn cách giữa hai mũi tiêm quá 3 tuần, cho rằng đây không phải cách để khắc phục tình trạng khan hiếm vaccine hiện nay.
Theo hai công ty này, không có dữ diệu nào cho thấy hiệu quả của việc tiêm chủng được đảm bảo sau 21 ngày tiêm mũi thứ nhất và cần tiêm mũi thứ hai để đảm bảo được bảo vệ hoàn toàn khỏi dịch COVID-19.
Để giải quyết tình trạng khan hiếm vaccine, dự kiến trong tuần này, EU sẽ phê chuẩn vaccine của công ty Moderna, theo đó EU có thể được bổ sung thêm 1,5 triệu liều trong những tuần tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!