Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nói với Đài truyền hình CNN Turk vào cuối ngày 7/1 rằng "chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết" nếu lực lượng YPG - thành phần nòng cốt của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - không đáp ứng được các yêu cầu của Ankara. Theo đó, lực lượng người Kurd ở Syria phải chấp nhận các điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ về một cuộc chuyển giao không đổ máu sau sự kiệnTổng thống nước này Bashar al-Assad bị phế truất vào tháng 12/2024.
Ngoại trưởng Fidan cho biết một chiến dịch quân sự có thể được lên kế hoạch, mặc dù ông nói thêm rằng chính quyền lâm thời Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ có đủ tiềm lực để tự chiến đấu với YPG.
Việc ông al-Assad bị lực lượng đối lập lật đổ vào tháng 12/2024 có thể dẫn tới viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp trực tiếp vào lực lượng người Kurd ở Syria - lực lượng bị Ankara cáo buộc có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
PKK đã chiến đấu với lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ. Thổ Nhĩ Kỳ - cũng như Mỹ và Liên minh châu Âu - từ lâu đã coi PKK là một tổ chức khủng bố. Ước tính, cuộc xung đột đã khiến hơn 40.000 người tử vong.
Sự hiện diện của YPG ở Syria vẫn là mối quan tâm trọng điểm trong chiến lược an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ tại vì Ankara coi YPG và PKK có mối liên hệ hữu cơ và tuân thủ chủ nghĩa ly khai dân tộc.
Các phe phái được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở miền Bắc Syria đã tiếp tục cuộc xung đột vũ trang với lực lượng người Kurd cùng thời điểm quân nổi dậy phát động cuộc tấn công vào ngày 27/11/2024, lật đổ Tổng thống al-Assad chỉ 11 ngày sau đó.
Lãnh đạo lâm thời của Syria Ahmed al-Sharaa - người mà nhóm HTS của ông từ lâu đã có quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ - đã nói với Al Arabiya TV vào ngày 5/1 rằng các lực lượng do người Kurd lãnh đạo nên được sáp nhập vào quân đội quốc gia Syria.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Fidan - người đã gặp ông al-Sharaa tại Damascus vào tháng 12/2024 - cho biết Ankara mong đợi ban lãnh đạo mới sẽ giải quyết vấn đề YPG, mặc dù ông nói thêm rằng Ankara sẵn sàng cho họ thêm thời gian khi các cuộc đàm phán giữa Damascus và YPG đang diễn ra.
"Những chiến binh khủng bố đến từ các quốc gia khác phải rời khỏi Syria, ban lãnh đạo PKK phải rời khỏi nước này. Những người còn lại phải hạ vũ khí và tham gia vào chính quyền mới. Đây là quá trình chuyển đổi không đổ máu và không có vấn đề gì".
Khi được hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn can thiệp vào Syria bất chấp sự ủng hộ của Mỹ đối với YPG hay không, Ngoại trưởng Fidan cho biết Ankara sẽ không ngần ngại làm điều đó: "Đây là điều chúng tôi yêu cầu để đảm bảo an ninh quốc gia. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!