Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định dừng chương trình hợp tác và cung cấp máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ẩn sau sự trục trặc trong thương vụ mua máy bay chiến đấu F-35 không chỉ là quan hệ đang xấu đi giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, có liên quan tới cả nước Nga.
Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, dù biết động thái này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hợp đồng mua máy bay F-35 của Mỹ?
Với người Thổ Nhĩ Kỳ, hợp đồng mua S-400 không chỉ là một hợp đồng vũ khí, nó giống như cách để Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chìa cánh tay ra với nhau trong một số vấn đề tại Trung Đông. Đặc biệt như trong vấn đề tại Syria, có thể thấy rằng sự liên kết với Nga đã trở thành con đường không thể khác của Ankara. Mỹ giờ đây đã chọn người Kurd, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi là địch thủ số một, làm cánh tay nối dài của Washington trong bàn cờ tại Syria.
Chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ có giá 90 triệu USD/chiếc. Ảnh: EPA.
Ngoài ra, còn một yếu tố cũng quan trọng không kém. Tổng thống Nga Putin hồi tháng 4/2018 đã tuyên bố rằng, Moskva không ngần ngại tiến hành cả những dự án phối hợp sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là điều Ankara luôn chờ đợi, nhằm nâng cao năng lực ngành công nghiệp quốc phòng của mình.
Quyết định mua S-400 tác động như thế nào tới mối quan hệ đồng minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ?
Trong kịch bản xấu nhất, hợp đồng mua S-400 của Nga có thể sẽ dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ bị liệt vào danh sách cấm vận, theo đạo luật trừng phạt các quốc gia thù địch của Washington. Đây là cách Mỹ đã làm với Nga, Iran hay Triều Tiên. Tất nhiên, giới quan sát không mấy tin rằng 2 nước lại có thể để quan hệ của mình rơi xuống vực sâu như thế. Có điều, Ankara thực sự đang trong tình thế mắc kẹt, không mua S-400 nữa cũng khó nhưng nếu mua S-400, Ankara cũng hiểu quá rõ rằng, căng với Mỹ họ sẽ mất nhiều hơn được.
Mới đây, cuộc bầu cử địa phương tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo nên một cơn địa chấn. Đảng cầm quyền của Tổng thống Erdogan, lần đầu tiên thất cử ngay tại cả 2 đầu tàu về chính trị và kinh tế là Ankara và Istabul. Đây là một lời cảnh báo nghiêm khắc, phản ánh sự thất vọng của cử tri đối với tình hình kinh tế của đất nước, nhất là kể từ khi Ankara bị Mỹ trừng phạt hồi tháng 8/2018, sau sự cố bắt giữ mục sự Andrew Brunson.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Reuters
Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng trong chương trình F-35 của Mỹ, tham gia vào việc chế tạo loại máy bay quân sự tối tân này. Nhưng hiện Mỹ đã bắt đầu tìm các nguồn thứ cấp để sản xuất các bộ phận của dòng máy bay chiến đấu này.
Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 hay mua F-35 không đơn thuần chỉ là lựa chọn loại vũ khí chiến lược nào, mà quan trọng hơn đó là bài toán về quan hệ đồng minh chủ chốt với Washington mà Ankara phải đặt trên bàn cân kĩ lưỡng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!