Thủ đô Thái Lan chuẩn bị chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu, Nhật Bản phát hiện đột biến mới trên chủng phụ BA.2 Omicron

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ tư, ngày 04/05/2022 06:21 GMT+7

Hơn 514,47 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 4/5, thế giới có trên 514,47 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,26 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 83,19 triệu ca mắc và hơn 1,021 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 23.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Nước Mỹ sẽ cần phải chuẩn bị cho một đợt bùng dịch COVID-19 mới sau 4 đến 6 tháng. Đây là cảnh báo của Tiến sĩ Deborah Birx, cựu Điều phối viên Lực lượng Đặc nhiệm Ứng phó với COVID-19 của Nhà Trắng, sau khi chứng kiến tình trạng nhiễm bệnh gia tăng gần đây ở Nam Phi.

Bà Birx cho rằng, khả năng miễn dịch tự nhiên đã suy giảm đủ lớn trong dân số nói chung, khiến một đợt gia tăng đáng kể số ca mắc mới COVID-19 sẽ lại xảy ra sau 4 đến 6 tháng. Nước Mỹ cần chuẩn bị ngay từ lúc này cho một đợt gia tăng vào mùa hè trên khắp các bang ở miền Nam. Cảnh báo trên được đưa ra sau khi Nam Phi, nơi biến thể Omicron được phát hiện lần đầu vào cuối năm 2021, đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm COVID-19 trong khoảng thời gian gần đây.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 3/5, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,08 triệu người mắc COVID-19, bao gồm gần 523.900 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 663.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,48 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 3/5, Brazil báo cáo thêm 21.432 ca mắc COVID-19 mới.

Nhằm hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh và ngăn ngừa hiệu quả làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới, Chính phủ Bỉ vừa công bố một ứng dụng COVID-19 mới trên nền tảng iOS và Android. Với tên gọi "GovApp", đây là ứng dụng thứ ba của Chính phủ Bỉ được sử dụng trong đối phó với đại dịch COVID-19. Theo thông báo của Chính phủ Bỉ, cuộc khủng hoảng COVID-19 một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của thông tin chính xác và đáng tin cậy của chính phủ mà người dân có thể tìm thấy theo cách thân thiện với người dùng.

Hiện tại, số ca mắc COVID-19 mỗi ngày tại Bỉ đã giảm xuống mức trung bình trong 7 ngày qua là 5.808 ca, thấp nhất kể từ tháng 1/2022. Kể từ đầu đại dịch tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở Bỉ là trên 4.07 triệu, trong đó có 31.494 người thiệt mạng.

Bộ Y tế Italy đã tuyên bố bỏ yêu cầu du khách phải hoàn thành Biểu mẫu định vị hành khách để được nhập cảnh nước này từ ngày 1/5, trong khi các quy định còn lại được gia hạn cho đến hết ngày 31/5.

Tình trạng khẩn cấp COVID-19 đã kết thúc tại Italy vào ngày 31/3, nhưng các quy định COVID-19 đối với những người nhập cảnh nước này đã được gia hạn một lần đến hết ngày 30/4.

Thủ đô Thái Lan chuẩn bị chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu, Nhật Bản phát hiện đột biến mới trên chủng phụ BA.2 Omicron - Ảnh 1.

Italy đã dỡ bỏ nhiều quy định hạn chế phòng dịch. (Ảnh: AP)

Kể từ ngày 1/5, Chính phủ Italy đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế COVID-19 của nước này, khi người dân không cần phải có "Thẻ xanh" để được ăn uống tại các nhà hàng hoặc đến trung tâm sức khỏe, phòng tập thể dục, các sự kiện thể thao, câu lạc bộ đêm và hội nghị. Người dân cũng không còn bị bắt buộc phải đeo khẩu trang khi vào các cơ quan chính phủ, cửa hàng, ngân hàng, bưu điện, nhà hàng và hầu hết những nơi làm việc.

Tuy nhiên, theo quy định mới nhất, mọi người vẫn phải đeo khẩu trang trong một số không gian kín, bao gồm trên những phương tiện giao thông công cộng đường dài và địa phương, nhà hát và rạp chiếu phim cho đến ngày 15/6 và trong các trường học cho đến khi kết thúc năm học. Mọi người vẫn cần phải có siêu thẻ xanh, chứng nhận một người đã tiêm vaccine hoặc đã khỏi COVID-19, mới được vào bệnh viện và nhà an dưỡng cho đến cuối năm nay.

Bộ Y tế Thái Lan đã thông báo cho các nhà chức trách thủ đô Bangkok chuẩn bị chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu sau khi tỷ lệ lây nhiễm và tử vong giảm mạnh. Ngày 3/5 là ngày thứ hai liên tiếp Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới dưới ngưỡng 10.000 ca, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Tình hình COVID-19 ở thủ đô Bangkok cũng đang được cải thiện. Thư ký thường trực Bộ Y tế Kiattiphum Wongrajit cho biết, số ca mắc mới ở thủ đô ngày càng giảm là do phổ cập tiêm vaccine phòng bệnh cũng như những chương trình cách ly tại nhà và cho phép bệnh nhân được điều trị ngoại trú.

Số ca tử vong do COVID-19 ở Thái Lan đang có xu hướng giảm dần và hầu hết những người không qua khỏi đều là những người chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ liều. Theo số liệu cập nhật ngày 3/5, trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận 9.721 ca mắc mới và 77 trường hợp tử vong do COVID-19, mức thấp nhất kể từ ngày 26/3. Kể từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên vào đầu năm 2020, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng trên 4,28 triệu ca nhiễm, trong đó có 28.778 người không qua khỏi.

Các nhà khoa học Nhật Bản vừa phát hiện ra đột biến mới trên protein gai của biến thể phụ BA.2 thuộc biến thể Omicron ở cùng một vị trí giống với đột biến trên biến thể Delta. Nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư Hiroaki Takeuchi, trường Đại học Y tế và Nha khoa Tokyo, đã phát hiện ra đột biến trên khi phân tích ADN của các mẫu bệnh phẩm lấy từ 116 bệnh nhân đã chữa trị ở bệnh viện này trong vòng 3 tháng cho tới giữa tháng 4/2022. 

Theo nhóm nghiên cứu, đột biến này được tìm thấy ở hai bệnh nhân nhiễm BA.2 Omicron, một biến thể phụ đang chiếm ưu thế ở Nhật Bản. Nó xuất hiện ở vị trí L452 trên protein gai của BA.2 Omicron, cùng một vị trí với đột biến trên biến thể Delta, một biến thể đã lây lan khá nhanh ở nước này vào mùa hè 2021. Nhóm nghiên cứu tin rằng, đột biến mới đã xảy ra ở Nhật Bản, một phần vì các đặc tính gene của nó, một phần vì hai bệnh nhân trên không đi ra nước ngoài trong thời gian gần đây.

Gần 22 triệu dân nội đô thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc bước vào ngày đầu tiên xét nghiệm axit nucleic mỗi ngày 1 lần. Mục tiêu của ngành chức năng Bắc Kinh là hành động nhanh hơn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 để sớm chặn đứng nguồn lây.

Gần 22 triệu dân 12 quận nội đô thành phố bắt đầu xét nghiệm liên tiếp 3 vòng trong 3 ngày. Đến ngày 5/5, 11 quận nội ô sẽ hoàn thành xét nghiệm tất cả người dân 6 vòng. Riêng quận nặng nhất Triều Dương 7 vòng. Trong 3 vòng xét nghiệm đầu, thành phố đã tốn chi phí tương đương 227 triệu USD.

Thủ đô Thái Lan chuẩn bị chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu, Nhật Bản phát hiện đột biến mới trên chủng phụ BA.2 Omicron - Ảnh 2.

Thành phố Thượng Hải triển khai xét nghiệm COVID-19 nhiều vòng cho gần 22 triệu cư dân. (Ảnh: AP)

Trong số 51 ca COVID-19 24 giờ qua, có 5 ca phát hiện từ đợt xét nghiệm đại trà gần đây. Bắc Kinh hiện có 36 khu vực nguy cơ trung bình và cao, với gần 400 ca COVID-19 trong 12 ngày qua. Trong 5 ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động, hầu như 23 triệu dân Bắc Kinh không rời khỏi thành phố vì bận xét nghiệm cũng như chính quyền Bắc Kinh khuyến cáo người dân nghỉ lễ tại chỗ, ăn uống tại nhà. Người dân khi vào các điểm vui chơi đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong 48 tiếng. Tất cả quán ăn không được bán tại chỗ.

Do làn sóng dịch bệnh thứ 5 được kiểm soát nhanh hơn dự kiến và số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục giảm, ngày 3/5, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục nới lỏng các hạn chế xã hội giai đoạn 2. Phát biểu trong cuộc họp báo vào sáng 3/5, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, từ ngày 5/5, các nhà hàng sẽ được phục vụ khách ăn tại chỗ đến 0h sáng, thay vì 22h như hiện nay, số khách tối đa mỗi bàn cũng được tăng từ 4 lên 8 người, giới hạn tiệc tối đa được tăng từ 20 người lên 120 người. Chính quyền đặc khu cũng cho phép mở cửa trở lại các bể bơi và bãi biển, người dân không cần đeo khẩu trang khi tập thể dục ở các địa điểm trong nhà và ngoài trời.

Ngoài ra, từ ngày 19/5, các tàu du lịch được hoạt động trở lại, các quán bar, karaoke, phòng xông hơi cũng được mở cửa trở lại và được phục vụ đến 2h sáng, mỗi bàn 4 người. Sức chứa của rạp chiếu phim cũng được tăng lên 85%. Lực lượng y tế cuối cùng của Trung Quốc đại lục đến hỗ trợ Hong Kong chống dịch sẽ rời khỏi thành phố này vào ngày 7/5.

Trong khi đó, ngày 3/5, toàn bộ học sinh các cấp học tại Hong Kong đã quay trở lại học trực tiếp sau một thời gian học trực tuyến do dịch bệnh. Chính quyền Hong Kong và một số tổ chức từ thiện sẽ cung cấp cho các trường đủ bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh để học sinh có thể làm xét nghiệm trước khi đến trường.

Lần đầu tiên trong gần 3 tháng qua, số ca mắc mới theo ngày tại Hong Kong giảm xuống dưới 300 ca. Hong Kong đến nay ghi nhận hơn 1,2 triệu ca mắc COVID-19 và trên 9.300 người tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại vùng lãnh thổ này.

Từ ngày 18/4, Chính phủ Hàn Quốc đã bãi bỏ hầu hết các quy định giãn cách phòng dịch COVID-19 trừ việc bắt buộc đeo khẩu trang. Từ ngày 2/5, Hàn Quốc bắt đầu bãi bỏ việc bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời. Tuy nhiên, các sự kiện tập hợp trên 50 người vẫn phải đeo khẩu trang. Dù vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng còn quá sớm khi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang.

Đây là bước đi tiếp theo của Hàn Quốc. để người dân có thể thực sự trở lại với cuộc sống bình thường, sau khi nước này đã bãi bỏ hầu như hoàn toàn các quy định về giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 từ ngày 18/4. Tuy vậy, việc đeo khẩu trang dường như đã trở thành thói quen, và vì lợi ích của cộng đồng. Hầu hết, người dân Hàn Quốc vẫn tiếp tục đeo khẩu trang.

Cuba đón hơn 450 nghìn du khách chỉ trong 4 tháng Cuba đón hơn 450 nghìn du khách chỉ trong 4 tháng Ngày đầu bỏ khẩu trang, người Hàn Quốc thoải mái hít thở khí trời Ngày đầu bỏ khẩu trang, người Hàn Quốc thoải mái hít thở khí trời Mỹ cảnh báo đợt bùng dịch COVID-19 mới Mỹ cảnh báo đợt bùng dịch COVID-19 mới

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước