Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, tỷ lệ công suất điện dự phòng ở khu vực thủ đô có thể giảm xuống mức thấp nhất 3% để duy trì nguồn cung ổn định nếu khu vực do Công ty Điện lực Tokyo cung cấp này trải qua đợt nắng nóng nhất trong vòng một thập kỷ vào tháng 7 tới.
Ngay cả khi hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này kéo dài, các công ty điện lực ở những địa điểm khác cũng được dự báo sẽ có tỷ lệ công suất điện dự phòng ở mức hơn 3%.
Dựa trên những kế hoạch về nguồn cung của các công ty điện lực, ước tính tỷ lệ công suất điện dự phòng tại khu vực Tokyo sẽ được cải thiện, tăng lên mức 3,9% vào tháng 8 tới và lên mức 4,6% vào tháng 1/2024 đối với khu vực này cũng như các vùng ở miền Bắc Nhật Bản, trong đó có Hokkaido.
Nhật Bản có thể trải qua đợt nắng nóng nhất trong vòng 10 năm qua vào tháng 7 tới. (Ảnh: Getty)
Trong bối cảnh lo ngại nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng điện, vào tháng 7/2022, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến nghị người dân và doanh nghiệp nước này tiết kiệm điện. Khuyến nghị này được đưa ra nhằm tránh nguy cơ thiếu điện lần đầu tiên kể từ năm tài chính 2015, thời điểm tất cả các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã đóng cửa sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima do thảm họa động đất - sóng thần hồi năm 2011.
Khuyến nghị tương tự cũng đã được đưa ra trong mùa đông vừa qua cho đến ngày 31/3, trong đó Chính phủ Nhật Bản kêu gọi người dân giảm nhiệt độ của điều hòa và tắt đèn khi không sử dụng.
Theo truyền thông địa phương, để đảm bảo nguồn cung ổn định, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng nước này đẩy nhanh nỗ lực tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân vốn đang phải đối mặt những tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt được áp đặt sau sự cố hạt nhân năm 2011.
Dự báo cho thấy, Nhật Bản có thể trải qua đợt nắng nóng nhất trong vòng một thập kỷ vào tháng 7 tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!