Đầu tháng này, thế giới đã cán mốc 2 tỷ liều vaccine được tiêm cho người dân. Tuy vậy có một vấn đề đã được nói đến nhiều, nhưng vẫn cần phải được đề cập tiếp, đó là độ phủ vaccine không đồng đều.
Hiện nguồn cung vaccine vẫn đang có hạn và lợi thế đang thuộc về những nước chủ động hơn với nguồn cung. Điều này cũng phần nào giải thích cho sự nhanh nhạy trong chiến dịch tiêm chủng đã và đang được thực hiện tại các nước phương Tây và là động lực để các nước còn lại tìm cách tiếp cận tốt nhất với nguồn vaccine và đẩy nhanh tiêm chủng.
Dịp lễ Memorial Day cuối tháng 5 vừa qua tại Mỹ, các bãi biển rất đông đúc. Nhiều người dân tự tin tận hưởng kì nghỉ sau 1 năm dài ở trong nhà, sau khi được tiêm vaccine. Một nửa dân số Mỹ đã tiêm ít nhất 1 liều. CDC nước này đã sửa đổi hướng dẫn, những người tiêm phòng đầy đủ có thể được miễn đeo khẩu trang. Tháng 9 tới đây, năm học mới bắt đầu, học sinh sẽ được tới trường chứ không còn học trực tuyến nữa.
Tại châu Âu, sau khi hơn 200 triệu liều vaccine đã tiêm, câu chuyện bàn tiếp đang là liệu có thể triển khai thẻ xanh du lịch mùa hè này như thế nào. Hơn 1 triệu người ở châu Âu đã nhận được "Chứng nhận kỹ thuật số về COVID". Dự kiến, chứng nhận này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới sau khi được Nghị viện châu Âu thông qua. Cũng có nghĩa ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế châu Âu sẽ được mở cửa.
Thế nhưng, chưa phải ở đâu cũng vậy. Châu Âu và Bắc Mỹ, những khu vực triển khai tiêm tích cực, cũng là 2 trong những nơi chủ động nhất về nguồn cung vaccine. Tại châu Á, châu Phi và nhiều nước Trung Đông, kể cả những nước điều kiện kinh tế tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhìn chung tình hình tiêm đều chậm.
Mới chỉ 0,3% trong số các liều vaccine được tiêm trên thế giới là ở 29 nước nghèo nhất, nơi chiếm 9% dân số toàn cầu. Hay ở Đông Nam Á, với hầu hết các nước, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. Khoảng 3,7% dân số Malaysia đã tiêm đủ 2 liều vaccine, con số này ở Thái Lan là 2,1%.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới đánh giá: "Đã 6 tháng kể từ khi chúng ta tiêm những mũi vaccine đầu tiên, những nước có thu nhập cao chiếm gần 44% số liều vaccine đã tiêm trên thế giới. Còn với các nước thu nhập thấp, mới chỉ 0,4%. Điều đáng nói ở đây là những số liệu này không hề thay đổi trong nhiều tháng. Tiêm chủng không đồng đều là mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia, chứ không chỉ với những nước có ít vaccine nhất".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!