Sư tử Sparta được bảo tồn trong lớp băng vĩnh cửu của Siberia. (Ảnh: Reuters)
Con sư tử này đã sống cách đây 28.000 năm và thậm chí có thể vẫn còn dấu vết của sữa mẹ trong đó. Đây là hóa thạch của một con sư tử cái, được đặt tên là Sparta, được tìm thấy tại khu vực sông Semyuelyakh, vùng Yakutsk của Nga vào năm 2018.
Một con sư tử con khác có tên là Boris, là sư tử đực, đã được tìm thấy vào năm 2020, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Quaternary.
Hai con sư tử non nói trên được tìm thấy cách nhau 15m, nhưng chúng không chỉ khác nhau về giới tính mà còn được sinh ra cách nhau hàng nghìn năm. Boris sống cách đây khoảng 43.448 năm, nghiên cứu cho biết.
Hóa thạch sư tử Boris được tìm thấy tại Yakutsk, Nga. (Ảnh: Reuters)
Hai chú sư tử con từ 1 - 2 tháng tuổi khi chết, được tìm thấy bởi những người thu gom ngà voi ma mút. Hai sư tử con khác tên là Uyan và Dina cũng đã được tìm thấy tại khu vực này trong những năm gần đây.
Sư tử hang động châu Âu là loài động vật đã bị tuyệt chủng. Valery Plotnikov, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết, xác ướp sư tử cái Sparta được bảo quản tốt đến mức nó vẫn còn nguyên lông, các cơ quan nội tạng và bộ xương.
"Hóa thạch sư tử (Sparta) này là độc nhất, không có bất kỳ phát hiện nào khác còn nguyên vẹn như vậy ở Yakutsk" ông Plotnikov nói. "Chúng tôi hy vọng, từ phần sữa mẹ sót lại vẫn còn nguyên vẹn, chúng tôi có thể tìm hiểu chế độ ăn của sư tử mẹ như thế nào".
Những phát hiện tương tự ở vùng Siberia rộng lớn của Nga đã diễn ra với tần suất ngày càng tăng. Biến đổi khí hậu đang làm Bắc Cực ấm lên với tốc độ nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới và làm tan băng trên mặt đất ở một số khu vực bị đóng băng vĩnh cửu từ lâu nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!