Những cửa hàng bán sôcôla ở Brussels, Bỉ vẫn đang hoạt động hết công suất trong mấy ngày hôm nay để phục vụ nhu cầu trao gửi yêu thương của mọi người. Dù không thể đến tận nơi mua như mọi năm, người ta vẫn có thể đặt hàng qua điện thoại để tự mua về nhà, hoặc gửi tặng cho người thương. Không những không sụt giảm, mà các cửa hàng bán sôcôla ở Bỉ đang dự doán sẽ bán chạy hơn 10 tấn so với mức trung bình 70 tấn như mọi năm.
Trong khi đó, một siêu thị ở Hungary đang nỗ lực mang niềm vui và cơ hội tìm kiếm hạnh phúc cho khách hàng, đặc biệt là những khách hàng còn đang lẻ bóng, thông qua những chiếc giỏ mua hàng có tên "Độc thân" trong dịp Lễ Tình nhân 14/2 năm nay.
Chiếc giỏ cô đơn dành cho những người muốn tìm một nửa yêu thương tại Hungary. Ảnh AFP
Các khách hàng đến siêu thị Auchan ở Csomor, phía Đông thủ đô Budapest, có thể lựa chọn giỏ mua hàng màu xanh hoặc màu hồng với dòng chữ "Single Seeking Mate", tạm dịch: Độc thân tìm bạn. Tấm biển dựng ở nơi đặt giỏ đựng hàng có ghi: "Có phải bạn còn độc thân? Hãy dùng những chiếc giỏ Độc thân, biết đâu bạn sẽ tìm được nửa kia của mình trong siêu thị mà bạn yêu thích này".
Chị Csilla Beres, một khách hàng 25 tuổi, chia sẻ đây là ý tưởng hay trong thời đại dịch COVID-19, vừa giúp những khách hàng còn "cô đơn" có cơ hội tìm được mảnh ghép của mình, cũng như là cách thú vị để mọi người thấy thư giãn.
Các nhân viên của siêu thị Auchan đã nảy ra ý tưởng này khi nhận thấy việc tổ chức các chương trình truyền hình thực tế cho các cặp đôi gặp khó khăn do các biện pháp phòng dịch như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Bà Ildiko Varga-Futo, một quản lý tại siêu thị Auchan, cho biết thêm không chỉ tại Csomor, ý tưởng này sẽ được mở rộng tại các chuỗi siêu thị Auchan khác ở Hungary trong dịp Valentine năm nay.
Một năm yêu đương đặc biệt
Các cặp đôi thật khó khăn khi trao yêu thương qua lớp khẩu trang. Ảnh AFP
Không phải chỉ mỗi ngày Lễ Tình nhân năm nay mới đặc biệt. Hơn 1 năm COVID-19 hoành hành trên thế giới, có thể nhận thấy một điều rằng các cặp đôi dường như đã thích nghi được với kiểu yêu "thời chiến" này.
Người ta nói đại dịch là thời kỳ của những người độc thân, và là nỗi ám ảnh của các cặp đôi yêu nhau. Nhưng không hẳn thế. Thời gian cách ly, các cặp đôi tìm thấy nhau như thế nào? Câu trả lời chính là nhờ các ứng dụng hẹn hò trực tuyến và các mạng xã hội - những "ông tơ bà nguyệt công nghệ" hoạt động hiệu quả trong suốt năm vừa qua.
Các cặp đôi hẹn hò, tặng hoa, cùng ăn tối....qua mạng. Và khi đã yêu rồi, thì đích chung của các cặp đôi là "về một nhà". Nhưng dịch bệnh như thế này, ảnh hưởng không nhỏ đến chuyện trăm năm của nhiều cặp đôi.
"Ngày chung đôi" bị COVID-19 cản trở
Nhiều đám cưới phải hủy vì dịch bệnh kéo dài. Ảnh Reuters
Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến chống dịch, HOÃN CƯỚI là quyết định mà các đôi yêu nhau buộc phải lựa chọn. Những bác sĩ tuyến đầu đành gạt chuyện tình cảm sang một bên để dành toàn thời gian điều trị cho bệnh nhân, những đám cưới đành gác lại vì một trong hai người mắc COVID-19.
Hãng tin AFP đã ghi nhận tình trạng chung ở nhiều quốc gia trên thế giới. Những hội trường đám cưới vắng tanh, thậm chí những đám cưới đã phát thiệp mời rồi lại phải hủy bỏ, vì COVID-19.
Anh Jumma Inshasi, một chú rể người Palestine chia sẻ rằng: "Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả mọi thứ, một đám cưới đông đủ bạn bè và người thân. Nhưng vì dịch bệnh nên chúng tôi sẽ làm bữa cơm thân mật đơn giản thôi". Tờ Người bảo vệ của Anh trích dẫn số liệu của nhiều trung tâm tổ chức sự kiện tại Mỹ, cho thấy rằng chỉ riêng ở xứ cờ hoa, có tới 450 nghìn đám cưới phải hoãn hoặc thay đổi kế hoạch tổ chức. Những đám cưới này được lên lịch trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 năm ngoái.
Bữa cơm thân mật không phải là điều duy nhất thay đổi. Cũng vào khoảng tháng 3 đến tháng 5 năm ngoái, những tấm ảnh cưới xuất hiện một phụ kiện không thể thiếu. Đó là những chiếc khẩu trang.
Từ châu Á, đến châu Âu, từ châu Mỹ, đến châu Phi. COVID-19 đã thay đổi quan niệm về tình yêu và đám cưới truyền thống. Người người kể cho nhau về những đám cưới được phát trực tiếp trên mạng xã hội, nhà nhà gửi lời chúc và tặng quà online cho đôi trẻ. Hãng tin Reuters cho hay tùy vào quy định giãn cách xã hội ở mỗi nước, mà thường tối thiểu là 1, và nhiều nhất là 8 người, tính cả quan viên hai họ, chứng kiến ngày vui của cô dâu chú rể. Những người còn lại theo dõi buổi tiệc qua ứng dụng video trực tuyến. Một hôn lễ như thế này, ở Nga kéo dài khoảng 40 phút, ở Ấn Độ thì lâu hơn, khoảng 2 giờ đồng hồ.
Một chú rể ở Nga cho biết, hóa ra cách kết hôn này lại cực kỳ tiết kiệm. Cặp tân lang, tân nương không phải mua sắm vật dụng, đặt nhà hàng... tổng chi phí cho toàn bộ hôn lễ chỉ mất khoảng 650 rúp, tức là chưa đến 9 đô la Mỹ - một nửa trong số đó trả cho thủ tục đăng ký kết hôn và phần còn lại cho tiền taxi. Số tiền này mà quy ra tiền Việt, thì chỉ khoảng 200 nghìn đồng.
Nhiều đám cưới lên kế hoạch đến 2 lần rồi cũng vẫn phải hủy vì dịch tái bùng phát. Ảnh AFP
Trong gần một năm trời, những đôi tân lang tân nương chẳng thể nhận rượu mừng trực tiếp từ người thân và bạn bè vì phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Chính vì vậy, nên ngay khi nới lỏng các quy định phòng dịch, người Trung Quốc đã nhân dịp tuần lễ vàng hồi tháng 10 năm ngoái tổ chức hàng triệu đám cưới. Vậy nên mới có chuyện một người đàn ông họ Lei ở tỉnh Quý Châu đã dự liên tiếp 23 đám cưới trong vòng 1 tuần. Ông Lei cho biết ông đã phải dành khoảng 5.000 nhân dân tệ, tương đương gần 18 triệu đồng Việt Nam, để mừng đám cưới. Đây cũng là lần đầu tiên ông tham gia nhiều hỷ sự đến thế.
Đó là những thách thức không nhỏ mà các cặp đôi được ở cạnh nhau cùng trải qua để bảo vệ tình yêu của mình. Nhưng COVID-19 cũng là thứ thử thách tình cảm của các cặp đôi yêu xa. Họ đã chứng minh được rằng chỉ cần cố gắng sẽ vượt qua được "ngăn sông cấm chợ". Kể từ ngày 10/8 năm ngoái, chính phủ Đức đã phát hành 'visa tình yêu' để những cặp đôi có người thương tại nước này có thể đoàn tụ trong thời điểm các quốc gia châu Âu đóng cửa biên giới. Tại Đức, các cặp đôi phải xuất trình thư mời của người yêu đang sống ở Đức, và ký một bản xác nhận rằng họ đang thực sự yêu nhauJ. Một số quốc gia châu Âu bao gồm Áo, Na Uy và Đan Mạch cũng cho phép cấp loại "thị thực tình yêu" này.
COVID-19 khiến các cặp đôi hợp rồi tan
Nhiều cặp vợ chồng ly hôn vì "ở cạnh nhau" quá nhiều. Ảnh AFP
Nhưng chuyện tình yêu thời cách ly cũng có những vui buồn lẫn lộn. Chỉ tính ở các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, tỷ lệ sinh tăng lên do các cặp đôi dành nhiều thời gian ở bên nhau hơn thay vì bận bịu với công việc. Khoảng thời gian cách ly chống dịch cũng chính là thời điểm các cặp vợ chồng "tương tác" với nhau nhiều hơn, và "nặn" ra nhiều em bé hơn. Vậy mà cũng chính ở những nước này, tỷ lệ ly hôn tăng cao kỷ lục chỉ sau 3 tháng áp dụng lệnh cách ly.
Tờ Channel News Asia trích lời ông Justin Chan, Trưởng bộ phận giải quyết tranh chấp, khiếu nại, Văn phòng luật Tito Isaac và cộng sự tại Singapore cho biết: "Tỷ lệ ly hôn tăng lên trong đại dịch". Nguyên nhân được cho là chính vì dành quá nhiều thời gian cạnh nhau, hầu như 24/7. Cộng thêm áp lực phải trông và dạy học cho con cái, gánh nặng kinh tế và công việc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên các cặp đôi dễ cãi nhau hơn chỉ vì những lí do mà trước đây họ thường không để bụng.
Có những cặp vợ chồng phải chờ 1 tháng mới đến lượt xét duyệt đơn ly hôn.
Một năm đã qua đi với nhiều thử thách cho các cặp đôi. Hy vọng sau khi đã cùng nhau vượt qua những tháng năm khó khăn này, họ sẽ cùng kể lại cho con cháu rằng "bố mẹ đã nắm tay nhau đi qua giông bão như thế nào".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!