Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 22 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại thành phố Samarkand (Uzbekistan). SCO có các quốc gia thành viên và quan sát viên là các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn.
Về nguồn cung, các quốc gia này chiếm 1/4 trữ lượng và sản lượng dầu của thế giới, 30% công suất lọc dầu của thế giới, khoảng một nửa trữ lượng khí đốt toàn cầu (44%) cũng như 30% sản lượng khí đốt toàn cầu.
Về cầu, Trung Quốc và Ấn Độ là những nước nhập khẩu dầu lớn thứ nhất và thứ ba trên thế giới. Do đó, SCO có vai trò quan trọng trong việc ổn định nguồn cung và cầu dầu khí bằng cách tác động đến sản lượng và dự trữ của các quốc gia thành viên.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Samarkand, lãnh đạo các quốc gia đặt ra vấn đề phát triển một chiến lược năng lượng trong SCO để đảm bảo sự cân bằng toàn cầu và khu vực.
Nga tăng cường hợp tác năng lượng với thành viên SCO
Tại Hội nghị năm nay, Nga đã có những bước đi tăng cường hợp tác năng lượng với các quốc gia thành viên như Trung Quốc và Pakistan thông qua các dự án xây dựng các đường ống khí đốt lớn.
Nga đang đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc và cả Mông Cổ để cùng nhau xây dựng một hành lang kinh tế ba bên. Đầu năm nay, Nga đã công bố thỏa thuận dầu và khí đốt mới với Trung Quốc trị giá hơn 117 tỉ USD trong vòng 30 năm, đồng thời tăng tốc mở rộng đường ống Sức mạnh Siberia-2 để đưa nhiên liệu đến Mông Cổ và Trung Quốc, với mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ m3 khí đốt/năm vào năm 2030.
Bên cạnh đó, Nga cũng đang đẩy nhanh kế hoạch khởi công xây dựng đường ống Dòng chảy Pakistan với chiều dài hơn 1.100km và công suất chuyển tải lên đến 16 tỷ m³ mỗi năm.
Tổng thống Nga Putin cho rằng, dự án quy mô lớn này sẽ tạo cơ sở hạ tầng cần thiết ở Pakistan, một trong những đối tác ưu tiên của Nga trong khu vực châu Á.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!