Tổng thống Yoon xuất hiện trên truyền thông sau khi chấp nhận dỡ bỏ thiết quân luật (Ảnh: Yonhap)
Lệnh thiết quân luật đầu tiên kể từ năm 1980 tại Hàn Quốc
Đêm 3/12 (giờ Hàn Quốc), Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật trong bài phát biểu không báo trước được phát trực tiếp trên kênh truyền hình YTN, tuyên bố ông sẽ xóa bỏ "các thế lực chống nhà nước hèn hạ ủng hộ Triều Tiên".
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1980, thiết quân luật được ban bố tại Hàn Quốc. Động thái bất ngờ này đã gây chấn động khắp xứ sở kim chi.
Ông chỉ trích phe đối lập, bên chiếm thế đa số ở quốc hội, "chống phá nhà nước". Ông cho rằng họ thân Triều Tiên, làm tê liệt hoạt động tư pháp và hành pháp bằng các hoạt động luận tội công tố viên và quan chức gần đây, làm suy yếu các chức năng cơ bản của nhà nước khi cắt giảm ngân sách.
Sắc lệnh thiết quân luật gồm các biện pháp như cấm quốc hội hoạt động, kiểm soát báo chí, cấm tụ tập biểu tình. Binh sĩ và cảnh sát Hàn Quốc sau đó phong tỏa lối vào khuôn viên tòa nhà quốc hội trong thời gian ngắn. Hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài bất chấp thời tiết giá lạnh để đối đầu với lực lượng an ninh. Bên trong tòa quốc hội, các nhân viên và trợ lý nghị sĩ ngăn cản binh sĩ tiếp cận phòng họp của cơ quan.
Người biểu tình phản đối bên ngoài khuôn viên quốc hội Hàn Quốc sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol ban bố thiết quân luật vào đêm 3/12. (Ảnh: AFP)
Quốc hội họp khẩn, bỏ phiếu yêu cầu dỡ thiết quân luật
Vào rạng sáng 4/12, 190 nghị sĩ vào được trong tòa nhà quốc hội Hàn Quốc đã họp khẩn và bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu ông Yoon gỡ bỏ thiết quân luật. Chủ tịch Quốc hội Woo Won Sik và lãnh đạo phe đối lập hé lộ họ đã phải trèo tường trong cơn hỗn loạn để vào bên trong.
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won Sik tuyên bố khai mạc phiên toàn thể bất thường lúc 0h47 ngày 4/12 (giờ Hàn Quốc).
"Không một người dân nào mong đợi tình huống này và rất khó để thống nhất về việc có nên áp dụng thiết quân luật hay không. Quốc hội cũng muốn ứng phó vấn đề này một cách khẩn cấp", ông Woo giải thích.
Không có thông tin về việc có bao nhiêu nghị sĩ Hàn Quốc đã tham dự, theo hình thức nào và tại đâu khi Nhà Quốc hội Hàn Quốc đã bị lực lượng thực thi thiết quân luật phong tỏa.
Hiến pháp Hàn Quốc quy định: "Khi Quốc hội yêu cầu dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật với sự chấp thuận của đa số nghị sĩ đã đăng ký, Tổng thống sẽ dỡ bỏ nó". Nếu phiên họp toàn thể được tổ chức, Đảng Dân chủ đối lập với 170/300 ghế mới đủ sức yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật.
Tổng thống chấp nhận dỡ thiết quân luật
"Quốc hội mới đây yêu cầu dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và chúng tôi đã rút các binh sĩ được triển khai thực hiện thiết quân luật", Tổng thống Yoon nói trên truyền hình lúc 4h30 (giờ Hàn Quốc) ngày 4/12. "Chúng tôi sẽ chấp thuận yêu cầu của quốc hội và dỡ bỏ thiết quân luật trong cuộc họp nội các".
Binh lính rút khỏi tòa nhà quốc hội Hàn Quốc rạng sáng ngày 4/12, sau khi quốc hội bỏ phiếu chặn lệnh thiết quân luật. (Ảnh: AFP)
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin nội các của ông Yoon khoảng 30 phút sau đó đã nhất trí dỡ bỏ tình trạng này.
Lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân của ông Yoon, Han Dong-hoon, nhận định việc Tổng thống ban bố thiết quân luật là thảm kịch. "Tổng thống phải giải thích trực tiếp và kỹ lưỡng về thảm kịch này", ông Han nói. "Tất cả người liên quan đều phải chịu trách nhiệm".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!