Ba nước được Iran đánh giá là các quốc gia thân thiện tại khu vực Mỹ Latin và được lựa chọn là điểm đến ngoài Trung Đông đầu tiên của Tổng thống Iran từ khi nhậm chức vào tháng 8/2021 lần lượt là Venezuela, Nicaragua và Cuba. Những quốc gia này chia sẻ nhiều quan điểm chính trị và quốc tế với Iran.
Tổng thống Iran Raisi và người đồng cấp Venezuela Maduro đã ký 25 thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường hợp tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghệ, viễn thông, chăn nuôi, công - nông nghiệp, quốc phòng, vận tải hàng hải, thương mại, hóa dầu, khai thác mỏ, văn hóa, giáo dục, y tế, bảo hiểm...
Tổng thống Venezuela Micolás Maduro: "Chúng tôi đã ký 25 thỏa thuận trong chuyến thăm lịch sử này của Tổng thống Raisi và trong thời gian này chúng tôi vẫn đang đàm phán các thỏa thuận mới cho các khoản đầu tư mới. Chúng tôi phải tận dụng tối đa thời gian của chuyến thăm lịch sử này để kết thúc đàm phán cho các dự án mới, thỏa thuận mới, đầu tư vào tất cả các lĩnh vực dầu mỏ, hóa dầu, lọc dầu, khí đốt, khai thác mỏ, vàng, sắt, bô-xít. Chúng tôi sắp ký kết một thỏa thuận thành lập công ty vận tải chung Iran – Venezuela".
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi: "Hợp tác kinh tế hai năm trước chỉ đạt 600 triệu USD nhưng giờ đây hợp tác kinh tế và thương mại đã lên mức hơn 3 tỷ USD. Mục tiêu mà chúng tôi đặt ra cho hợp tác song phương, bước đầu sẽ là 10 tỷ USD và bước tiếp theo là đưa con số này lên 20 tỷ USD".
Sau Venezuela, Tổng thống Iran sẽ thăm chính thức Nicaragua và Cuba. Chuyến thăm của ông Raisi diễn ra trong bối cảnh hình thành các liên minh song phương để đối đầu với các chính sách của Mỹ.
Iran muốn mở rộng quan hệ nhằm cân bằng sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là sự hiện diện quân sự ở vùng Vịnh. Iran cũng đã đầu tư lớn vào khu vực Mỹ Latin, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp, hợp tác sản xuất ô tô và mua cổ phần một số lượng lớn các nhà máy lọc dầu ở đây.
Iran từ lâu đã luôn chủ động mở rộng quan hệ với các nước Mỹ Latin
Trên thực tế, trước sức ép của Mỹ và phương Tây, Iran từ lâu đã luôn chủ động mở rộng quan hệ với các nước Mỹ Latin. Ông Raisi đã từng mô tả các kế hoạch tăng cường quan hệ với các nước Mỹ Latin như một trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của quốc gia Hồi giáo này.
Cùng điểm qua những phân tích và bình luận trên báo chí quốc tế về chuyến thăm của Tổng thống Raisi lần này cũng như chiến lược ngoại giao, thúc đẩy hợp tác kinh tế, chính trị và củng cố, mở rộng quan hệ với các quốc gia thân thiện của Iran.
Hãng thông tấn Mỹ Latin Prensa Latina dẫn lời Tổng thống Iran xác định quan hệ với Caracas, Havana và Managua là "chiến lược" và tuyên bố chuyến đi của ông có thể dẫn đến việc thắt chặt hơn nữa quan hệ với ba quốc gia.
Ông Raisi nói rằng, xuất khẩu nhân lực kỹ thuật hiện là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Iran và các nước Mỹ Latin, nhưng giờ đây hợp tác đã được mở rộng ra nhiều lĩnh vực.
Tờ Thời báo Tehran đăng bài viết với nhan đề "Cánh cửa mới trong quan hệ Iran - Mỹ Latin". Tác giả bài báo nhận định, chuyến đi này mở ra một cánh cửa mới trong mối quan hệ vốn có giữa Iran và Mỹ Latin, đồng thời tăng cường hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực năng lượng, khoa học, công nghệ, y tế, nông nghiệp, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật.
Bài viết cũng dẫn lời các chuyên gia kinh tế cho rằng, với tiềm năng kinh tế to lớn hiện có, Iran có thể tăng cường trao đổi thương mại với các quốc gia trong khu vực Mỹ Latin và có thể tiếp tục cân nhắc các mục tiêu dài hạn xét theo các lợi ích chung của hai bên.
Al Jazeera dẫn nguồn hãng thông tấn chính thức của Chính phủ Iran IRNA khẳng định việc lựa chọn Venezuela, Nicaragua và Cuba làm điểm đến trong chuyến công du Mỹ Latin đầu tiên của Tổng thống Iran không phải là ngẫu nhiên. Mà trong thời kỳ chuyển tiếp sang kỷ nguyên đa cực, thực tế đây là những quốc gia nổi bật nhất trong danh sách các nước đang có quan hệ không mấy tốt đẹp với Mỹ.
Theo báo Bưu điện Jerusalem, Tổng thống Iran tin rằng các quốc gia Nam Mỹ muốn theo đuổi chính sách độc lập, không còn bị phụ thuộc vào Mỹ. Iran muốn vun đắp mối quan hệ với nhiều quốc gia hơn, chẳng hạn như Brazil và Columbia và có lẽ cả Argentina. Tehran coi họ là những ứng cử viên hàng đầu cho việc bán máy bay không người lái, trao đổi năng lượng và cũng là một phần trong chương trình nghị sự tổng thể nhằm tăng cường đối trọng với phương Tây.
Chuyến đi của nhà lãnh đạo Iran sẽ được theo dõi chặt chẽ để xem ông có thể ký kết những thỏa thuận gì và những vấn đề nào khác có thể phát sinh hoặc liệu có bất kỳ chuyến thăm bất ngờ nào diễn ra sau đó hay không.
Nếu các chiến lược trước đây của Iran tập trung vào việc sử dụng các trận chiến để giành vị trí quốc tế, thì chiến lược mới của nước này có xu hướng đi xa hơn ở chỗ muốn kiểm soát đất đai, tài nguyên, đường thủy, khả năng kinh tế và các địa điểm quân sự nhạy cảm bằng biện pháp mềm. Mỗi quốc gia mà Iran tìm cách tăng cường quan hệ đều có những lợi thế khác biệt so với các quốc gia khác. Iran cũng nhận thấy rõ cần phải tìm kiếm các đồng minh xa hơn để thúc đẩy kinh tế và hợp tác hỗ trợ, bảo vệ từ xa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!