Tổng thống Mỹ có được phép dùng quân đội ứng phó với biểu tình bạo động?

Thanh Hiệp (Theo CNN, VOX, TIME, REUTERS)-Thứ tư, ngày 03/06/2020 15:20 GMT+7

Tổng thống Donald Trump cảnh báo dùng quân đội để trấn áp các cuộc biểu tình bạo động

VTV.vn - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẵn sàng triển khai quân đội tới các bang để dập tắt những cuộc biểu tình bạo động. Liệu nhà lãnh đạo Mỹ có đủ cơ sở pháp lý?

Hôm thứ Hai, 1/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ kích hoạt đạo luật Chống bạo loạn (có từ năm 1807), thực hiện biện pháp bất thường là triển khai binh sĩ Mỹ phối hợp với cảnh sát để trấn áp các cuộc biểu tình đang diễn ra trên các đường phố.

Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố, nếu các thống đốc không hành động theo ý ông, ông sẽ điều động quân đội: "Nếu các thành phố hoặc bang từ chối thực hiện những hành động cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, tôi sẽ triển khai quân đội và nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ".

Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump ngay lập tức đã làm dấy lên những tranh cãi tại Mỹ. Một câu hỏi được đặt ra là liệu Tổng thống Trump có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc này?

Đạo luật Chống bạo loạn là gì?

Tại Mỹ, để ngăn chặn việc chính phủ Liên bang sử dụng quân đội vào các mục đích thực thi luật pháp trong nước. Ngay từ năm 1807, một đạo luật có tên Posse Comitatus đã được Tổng thống Mỹ Rutherford Hayes ban hành.

Tuy nhiên, vẫn có một trường hợp quân đội Mỹ thực hiện chức năng này. Đó là nhận được sự cho phép "đặc biệt, theo luật định" để làm điều đó. Và ngoại lệ này có thể được cấp thông qua đạo luật Chống bạo loạn (cũng được ban hành năm 1807).

Khi kích hoạt đạo luật này, Tổng thống Mỹ có quyền điều quân để đối phó với "mọi cuộc nổi dậy, bạo loạn trong nước, tụ tập bất hợp pháp hoặc âm mưu chống phá hay cản trở thực thi pháp luật của Mỹ".

Ông Mark Nevitt, một chuyên gia về luật quân sự tại Học viện Hải quân Mỹ, cho biết: "Đây là chìa khóa pháp lý có thể cho phép sử dụng các lực lượng vũ trang Liên bang để trấn áp các cuộc bạo loạn trong nước".

Theo cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ, đạo luật này đã được sử dụng vào những năm 1950 và sau đó vào những năm 1960 để xử lý các cuộc bạo loạn tại Detroit. Lần gần đây nhất, đạo luật 1807 được kích hoạt kể từ năm 1992 trong các cuộc bạo loạn tại Los Angeles liên quan đến vụ 4 sĩ quan cảnh sát dùng vũ lực với công dân da màu Rodney King khiến người này thiệt mạng. Đáng chú ý, Bộ trưởng Tư pháp khi đó là ông William Barr hiện cũng đang đảm nhiệm vai trò này trong chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Mỹ có được phép dùng quân đội ứng phó với biểu tình bạo động? - Ảnh 1.

Vệ binh Quốc gia Mỹ ngăn chặn các cuộc biểu tình tại bang Georgia, Mỹ (Nguồn: Reuters)

Quốc hội Mỹ từng sửa đổi đạo luật Chống nổi loạn sau trận bão Katrina năm 2006 nhằm quy định rõ hơn về các tình huống Tổng thống có thể kích hoạt đạo luật. Tuy nhiên, một số điều khoản sửa đổi bị hủy bỏ một năm sau đó do vấp phải sự phản đối từ nhiều thống đốc bang, những người không muốn để quyền triển khai lực lượng quân sự của mình rơi vào tay chính quyền Liên bang.

Những cách kích hoạt đạo luật Chống bạo loạn

Theo chuyên gia Mark Nevitt, có hai cách để đạo luật Chống bạo loạn có thể được kích hoạt:

Đầu tiên, đó là khi lãnh đạo chính quyền địa phương kêu gọi Tổng thống cử quân đội hỗ trợ. Đây là điều đã xảy ra vào năm 1992, khi Thống đốc bang California Pete Wilson tìm kiếm sự trợ giúp từ Tổng thống George H.W. Bush khi các cuộc bạo loạn bùng nổ tại Los Angeles.

Đáp lại, Tổng thống Bush đã đặt lực lượng Vệ binh quốc gia California dưới quyền chỉ huy của chính phủ Liên bang, đồng thời cử lục quân và thủy quân lục chiến đang đóng quân tại bang này đến hỗ trợ chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, đạo luật Chống bạo loạn cũng đặt ra những hạn chế đối với Tổng thống Mỹ. Ngoài việc để có thể triển khai quân đội Tổng thống trước hết cần nhận được yêu cầu giúp đỡ từ các bang thì các điều khoản khác của đạo luật Chống bạo loạn không yêu cầu thống đốc hoặc một cơ quan lập pháp của bang phải đồng ý với đề nghị của Tổng thống, ngay cả khi Tổng thống xác định tình hình tại một bang không cho phép thực thi các luật lệ của Mỹ hoặc khi quyền công dân bị hạn chế.

"Trong lịch sử và trong thực tế, những vấn đề như vậy không phải là điều kiện tiên quyết để Tổng thống sử dụng quân đội Liên bang phục vụ cho việc thực thi pháp luật trong nước" - ông Stephen Vladeck, giáo sư luật tại Đại học Texas, chia sẻ với hãng truyền thông CNN.

Trong trường hợp thứ hai, Tổng thống Mỹ có thể cử quân đội đến các bang bất chấp sự phản đối của các thống đốc với những mục đích nhất định như bảo vệ tài sản Liên bang hay thực thi luật pháp Liên bang.

Năm 1957, Tổng thống Dwight Eisenhower từng kích hoạt đạo luật Chống bạo loạn khi ông nắm quyền kiểm soát lực lượng phòng vệ quốc gia bang Arkansas và điều quân đội đến đây giúp thực hiện mệnh lệnh của tòa án Liên bang nhằm xóa bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc tại các trường học.

Một động thái tương tự cũng đã được Tổng thống John F. Kennedy thực hiện vào năm 1962 tại bang Mississippi. Tuy nhiên, việc Tổng thống bất chấp phản đối của các bang đưa quân đội vào thì có thể phải ra tòa.

Những lựa chọn cho Tổng thống Donald Trump

Theo các nguồn tin, các lực lượng vũ trang Mỹ trên cả nước đã được đặt trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng triển khai trong vòng 24 giờ. Tổng thống Donald Trump đã khẳng định: "Chúng tôi đã để quân đội trong trạng thái sẵn sàng, nếu họ (các thống đốc) muốn kêu gọi sự trợ giúp. Và chúng tôi có thể triển khai binh sĩ tới thực địa rất nhanh nếu họ cần sự trợ giúp của chúng tôi".

Khả năng các thống đốc hưởng ứng tuyên bố này của ông Trump là không cao, bởi đây bị coi là một bước đi gây nhiều tranh cãi và có thể làm gia tăng căng thẳng giữa chính quyền và người dân.

Tổng thống Mỹ có được phép dùng quân đội ứng phó với biểu tình bạo động? - Ảnh 2.

Việc triển khai quân đội tới các bang có thể làm leo thang căng thẳng giữa chính phủ Mỹ và người dân (Nguồn: Reuters)

Thậm chí, nhiều thống đốc bang đã nhanh chóng phản đối động thái của ông Trump. Thống đốc bang Illinois J.B. Pritzker cho biết: "Tôi phản đối quan điểm cho rằng chính phủ Liên bang có thể đưa quân đội đến bang Illinois. Thực tế là Tổng thống đã gây ra tâm lý giận dữ ở đây. Ông ấy muốn chuyển hướng sự chú ý của công chúng khỏi những hạn chế trong cuộc chiến chống COVID-19, tiếp đến là tình trạng bất ổn vì vụ việc xảy ra với George Floyd và giờ ông ấy muốn tạo ra một vấn đề khác, tự cho mình là Tổng thống của 'luật pháp và trật tự'".

Dĩ nhiên, Tổng thống Trump vẫn có thể triển khai lực lượng vũ trang tới các bang mà không cần để ý tới sự phản đối từ các thống đốc bang nếu ông cho rằng luật Liên bang đang không được thực thi hoặc chính quyền địa phương không bảo vệ được các quyền của công dân.

Tuy vậy, phương án này sẽ vấp phải nhiều cản trở.

Theo giáo sư Saikrishna Prakash tại trường luật của Đại học Virginia, động thái kích hoạt đạo luật Chống bạo loạn nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với những thách thức từ các tòa án Mỹ. Mặc dù nhà lãnh đạo Mỹ có thể sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến pháp lý, một lệnh cấm do tòa án đưa ra có thể trì hoãn việc triển khai quân đội trong khoảng thời gian đáng kể.

Ngay cả khi đã được triển khai, lực lượng này cũng sẽ bị hạn chế rất nhiều về mặt quy mô, số lượng, cách thức hoạt động theo các điều khoản trong dạo luật Chống bạo loạn, và do đó, khó có thể đạt được hiệu quả mà Tổng thống Trump mong muốn.

Không những vậy, việc đưa quân đội tới trấn áp các cuộc biểu tình cũng sẽ khiến nhà lãnh đạo Mỹ phải đối mặt với nhiều rủi ro về mặt chính trị. Theo giáo sư Stephen Vladeck, "nếu Tổng thống Trump kích hoạt đạo luật Chống bạo loạn, ông sẽ phải đón nhận toàn bộ trách nhiệm về việc chấm dứt các cuộc biểu tình". Các thị trưởng và thống đốc khi đó sẽ không còn liên quan gì đến những chuyện sẽ xảy ra tiếp theo.

Phản ứng trái chiều từ Bộ Quốc phòng Mỹ

Theo CNN, đã có sự bất bình sâu sắc và ngày càng gia tăng trong Bộ Quốc phòng Mỹ ngay cả trước khi Tổng thống Trump tuyên bố sẵn sàng triển khai quân đội để đảm bảo trật tự tại quốc gia này.

Cụ thể, một số quan chức trong Bộ Quốc phòng đã nói rằng tình hình chưa đến mức cần phải kêu gọi triển khai các binh sỹ đang phục vụ trong quân ngũ nếu các thống đốc bang không nêu rõ rằng điều đó là cần thiết. Một quan chức chia sẻ: "Có một mong muốn ở đây là hãy để các cơ quan thực thi pháp luật địa phương thực hiện nhiệm vụ".

Tổng thống Mỹ có được phép dùng quân đội ứng phó với biểu tình bạo động? - Ảnh 3.

Giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ e ngại những rủi ro từ việc triển khai quân đội tới các bang (Nguồn: Reuters)

Một quan chức quốc phòng khác cho rằng "các biện pháp tăng cường có thể được thực hiện để củng cố năng lực của Liên bang, bang và lực lượng thực thi pháp luật địa phương trong đối phó với biểu tình, song nhấn mạnh việc điều động quân đội nên là lựa chọn cuối cùng trong các biện pháp đó".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước