Các nhà quan sát cho rằng, không khó để nhận ra mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo Pháp và châu Âu là thuyết phục Trung Quốc đóng vai trò trung gian tìm giải pháp vấn đề Ukraine. Dự kiến trong cuộc gặp ngày 6/4 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một trong những nội dung mà Tổng thống Pháp muốn nhấn mạnh là châu Âu đề nghị Trung Quốc không cung cấp vũ khí cho Nga.
Quan hệ thương mại và kinh tế cũng là vấn đề lớn khi mà Pháp thâm hụt thương mại với Trung Quốc đến 50 tỷ euro trong năm ngoái, với phái đoàn tháp tùng hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu, trong đó có Airbus để đàm phán hợp đồng bán máy bay mới cho Trung Quốc.
Các cố vấn của Tổng thống Pháp cho rằng, ông Macron đã thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) mạnh mẽ hơn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, ông cũng công khai kiềm chế không sử dụng những lời lẽ chống Trung Quốc mạnh mẽ khi Bắc Kinh có xu hướng thực hiện các biện pháp trả đũa song phương.
Theo nhận định của các chuyên gia, quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc gần đây đi theo chiều hướng không mấy tích cực. Thỏa thuận đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc ký cuối năm 2020 chưa thấy triển vọng được thông qua trong tương lai gần. Về phía EU, thâm hụt thương mại và chính sách kiểm soát đầu tư của Trung Quốc từ lâu đã trở thành vấn đề lớn trong quan hệ song phương.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine, quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung, đặt ra nhiều khó khăn cho Tổng thống Pháp trong xử lý mối quan hệ với Trung Quốc vì mục tiêu vừa bảo vệ quyền lợi của Pháp, châu Âu cũng như không ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!