Thủ tướng Australia Anthony Albanese bắt tay Tổng thống Pháp Macron khi ông đến Paris. (Ảnh: Reuters)
Đây là thông tin do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra hôm 17/11.
Trước đó, Tổng thống Macron đã rất tức giận khi Thủ tướng Australia tiền nhiệm Scott Morrison đột ngột hủy bỏ hợp đồng với Pháp liên quan tới việc đóng hàng chục tàu ngầm chạy bằng diesel và công bố thỏa thuận mới mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ hoặc Anh.
Cuộc tranh cãi đã làm chệch hướng quan hệ Pháp - Australia và đe dọa phá vỡ Hiệp định thương mại EU - Australia. Tuy nhiên, hai nước đã "làm lành" kể từ khi Thủ tướng Australia Anthony Albanese lên nắm quyền.
Việc chuyển giao các tàu ngầm hạt nhân mới có thể sẽ mất nhiều năm, có khả năng khiến Australia bị thiếu năng lực vào thời điểm Trung Quốc đang gia tăng sự quyết đoán trong khu vực.
Phát biểu tại Bangkok một ngày sau cuộc gặp với Thủ tướng Australia Albanese bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia, Tổng thống Macron cho biết, lời đề nghị của Pháp "vẫn còn trên bàn".
Theo ông Macron, Pháp sẽ không cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho nước ngoài, vì vậy lời đề nghị chỉ liên quan đến các loại tàu thông thường. Ông nói thêm rằng điều này sẽ đảm bảo "tự do và chủ quyền" của Canberra, Australia sẽ tự dựng tàu ngầm tại nước này.
Thủ tướng Australia Albanese ca ngợi, đây là một khởi đầu mới trong quan hệ hai nước trong chuyến thăm Paris vào tháng 7, nhấn mạnh rằng ông sẽ hành động với "sự tin tưởng, tôn trọng và trung thực" trong các giao dịch với Pháp.
Cuộc họp diễn ra sau khi Australia đồng ý một thỏa thuận bồi thường lớn với Tập đoàn đóng tàu ngầm Naval của Pháp để chấm dứt hợp đồng. Khoản dàn xếp trị giá 555 triệu Euro (584 triệu USD) đã chấm dứt cuộc tranh cãi và được Thủ tướng Albanese cho là "công bằng và bình đẳng". Hợp đồng ban đầu trị giá khoảng 33 tỷ Euro vào thời điểm đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!