Hơn 33 triệu người trên khắp Pakistan đã bị ảnh hưởng bởi trận lụt kinh hoàng. (Ảnh: AP)
Tổng Thư ký Antonio Guterres đã đưa ra lời kêu gọi trên sau khi ông hạ cánh xuống sân bay thủ đô của Pakistan vào sáng sớm 9/9 và được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pakistan Hina Rabbani Khar tiếp đón.
"Tôi đã đến Pakistan để bày tỏ tình đoàn kết sâu sắc với người dân Pakistan sau đợt lũ lụt kinh hoàng tại đây. Tôi kêu gọi sự hỗ trợ lớn từ cộng đồng quốc tế khi Pakistan đang phải ứng phó với thảm họa khí hậu này", ông Guterres đã đăng trên tài khoản Twitter lời kêu gọi ngay sau khi ông đến Pakistan.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc sau đó đã gặp Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif và các quan chức hàng đầu nước này.
"Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế vì Pakistan cần khoản hỗ trợ tài chính lớn. Theo ước tính ban đầu, thiệt hại do lũ lụt ở nước này đã lên tới khoảng 30 tỷ USD", ông Guterres nói trong một cuộc họp báo chung ở Islamabad.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cho biết: "Pakistan rất cần các khoản tài trợ". Ông Sharif nói rằng nước này "sẽ tiếp tục gặp khó khăn chừng nào không nhận được sự hỗ trợ quốc tế đầy đủ".
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa mưa lũ vào ngày 10/9.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pakistan Hina Rabbani Khar tại Islamabad. (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Phát thanh Pakistan, Marriyam Aurangzeb, cho biết, chuyến thăm của người đứng đầu Liên Hợp Quốc sẽ giúp làm nổi bật các vấn đề mà nạn nhân lũ lụt phải đối mặt ở cấp độ toàn cầu và giúp "cảm hóa thế giới" về hậu quả của biến đổi khí hậu.
Lũ lụt kinh hoàng cũng đã gây ra thiệt hại đáng kể tại Mohenjo Daro, một địa điểm khảo cổ nổi tiếng 4.500 năm tuổi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới ở tỉnh Sindh, Đông Nam nước này.
Liên Hợp Quốc đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp quyên góp 160 triệu USD để hỗ trợ Pakistan.
Các quan chức và các nhà hoạt động khí hậu cho biết, Pakistan góp phần dưới 1% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu nhưng lại nằm trong số 10 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do thời tiết khắc nghiệt.
Hơn 1/3 diện tích của Pakistan bị nhấn chìm trong nước lũ bởi các sông băng tan chảy và những trận mưa gió mùa kỷ lục bắt đầu từ tháng 6, gây ra thiệt hại lớn về nhà cửa, đường xá, cầu cống, mạng lưới đường sắt, vật nuôi và cây trồng.
Trong khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Pakistan Miftah Ismail ước tính tổng thiệt hại là 10 tỷ USD trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tiếp tục diễn ra, các nhà phân tích độc lập đưa ra con số từ 15 tỷ đến 20 tỷ USD và lo ngại, con số này có thể tiếp tục tăng lên.
Pakistan đang phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế trong bối cảnh lượng dự trữ ngoại hối bị giảm mạnh một cách nhanh chóng, lạm phát tăng mạnh, chạm mức 27,3% trong tháng 8, mức cao nhất trong 5 thập kỷ qua..
Một số quốc gia đã cam kết hỗ trợ Pakistan. Hơn 50 chuyến bay đặc biệt chở hàng viện trợ đã đến đất nước này và sẽ có thêm nhiều chuyến hàng viện trợ hơn nữa được lên kế hoạch trong những ngày tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!