Giới chức cũng lo ngại có thể tạo nên tâm lý chủ quan, coi nhẹ mức độ nguy hiểm của hành trình vượt biên chết chóc.
Trong một bức ảnh được đăng vào tháng 11, Chaima với đôi môi tô son đỏ thắm, nở nụ cười tươi nghiêng mình từ mạn một chiếc thuyền gỗ ọp ẹp. Trong một video, chị và hàng chục người di cư khác cùng hát hò rôm rả, phía sau lưng, biển trải dài vô tận. Đoạn video được Chaima ghi lại khi chị cùng nhiều người thực hiện chuyến vượt biển di cư trái phép từ Tunisia đến Italy.
Nhiều người chỉ trích họ vì đã "bình thường hóa" một hành trình khiến hàng nghìn người chết mỗi năm. Tuy nhiên, chính Chaima cũng không phủ nhận điều này.
Chị Chaima Ben Mahmoude - người có ảnh hưởng trên mạng xã hội chia sẻ: "Nghiêm túc mà nói, lúc trên thuyền, tất cả chúng tôi đều thầm cầu nguyện và chuẩn bị cho cái chết. Tôi đã tận mắt chứng kiến người chết đuối. Chúng tôi vô cùng kinh hãi. Tôi không khuyến khích bất cứ ai làm điều đó. Tôi làm điều đó vì lý do cá nhân".
Chaima là một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội ở Tunisia, với gần 2 triệu người theo dõi trên TikTok và Instagram. Các chuyên gia cảnh báo, những người có ảnh hưởng như chị có thể khiến người khác lầm tưởng là những chuyến đi này dễ dàng.
Ông Matt Herbert từ tổ chức Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nói: "Truyền thông xã hội đang đưa ra một cái nhìn sai lệch về những người di cư tới châu Âu. Mọi người sẽ thấy họ đi du lịch, mặc quần áo đắt tiền và khao khát được như vậy".
Theo thống kê, hơn 2 nghìn người di cư đã mất tích ở Địa Trung Hải vào năm ngoái. Kể từ năm 2014, số người mất tích là 23.000 người, cho thấy sự chết chóc của tuyến đường di cư trong hành trình hướng tới châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!