Cảnh sát đối phó với người biểu tình bạo động phản đối dự luật Lao động sửa đổi tại Nantes, miền Tây nước Pháp (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chính phủ Pháp vừa vượt qua “chướng ngại vật” đầu tiên trong cuộc chiến chống nạn thất nghiệp khi vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau khi Chính phủ Pháp quyết định bỏ qua vai trò của Quốc hội để ban hành các điều khoản sửa đổi Luật lao động gây tranh cãi. Trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội ngày 12/5, kiến nghị bất tín nhiệm Chính phủ do phe đối lập đề xuất chỉ nhận được 246 phiếu ủng hộ, trong khi để được thông qua, kiến nghị này cần ít nhất 288 phiếu. Kiến nghị bất tín nhiệm được đưa ra sau khi Chính phủ Pháp quyết định vận dụng Điều 49 Khoản 3 của Hiến pháp để ban hành dự luật cải cách Luật Lao động mà không cần Quốc hội bỏ phiếu thông qua.
Lời tuyên chiến với nạn thất nghiệp này được đánh giá là một trong những cải cách quan trọng nhất của Tổng thống Francois Hollande với kỳ vọng sẽ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức trên 10%. Chính phủ Pháp cho rằng, các quy định của dự luật thực chất là "cởi trói" cho doanh nghiệp, qua đó doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng nhân viên hơn. Tuy nhiên, theo các tổ chức công đoàn, quy định trong dự luật sẽ tạo điều kiện để chủ doanh nghiệp có nhiều lý do để biện minh cho việc sa thải nhân công, làm phương hại đến lợi ích của người lao động. Giới học sinh, sinh viên lo ngại, dự luật sẽ khiến lớp trẻ đối mặt với tương lai bấp bênh khi khó có thể tìm được một công việc ổn định.
Những bất bình này đã là nguyên nhân của hàng trăm cuộc biểu tình diễn ra tại nhiều thành phố trên toàn nước Pháp trong những tuần qua và đang đe dọa tạo ra những bất ổn mới trên chính trường nước Pháp.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!