Với số phiếu ủng hộ áp đảo, kế hoạch tăng độ tuổi lao động ở Nga đã được Quốc hội Nga thông qua. Bộ Lao động Nga cho rằng hệ thống hưu trí cần phải điều chỉnh khi kinh tế đất nước có nhiều chuyển biến. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng để phù hợp với việc tuổi thọ trung bình của người dân tăng. Tuy nhiên, kế hoạch đang vấp phải sự phản đối của nhiều người dân.
Ông Vasily Generalov - Giám đốc một nhà máy điện tại Nga - đã làm việc không biết mệt mỏi 42 năm qua và chỉ 1 năm nữa là nghỉ hưu ở tuổi 60, vì vậy ông mong thời gian trôi thật nhanh để hưởng thú vui điền viên bên gia đình.
Tuy nhiên, kế hoạch của ông Vasily Generalov đã bị đảo lộn hoàn toàn trước kế hoạch điều chỉnh độ tuổi lao động của Chính phủ Nga. Trong vài năm tới, nam giới sẽ nghỉ hưu ở tuổi 65, không phải 60 như hiện nay. Mức tăng tuổi nghỉ hưu ở nữ giới thậm chí còn cao hơn, họ phải làm việc đến 63 tuổi thay vì 55 như hiện nay.
"Tôi đã lên kế hoạch để nghỉ hưu, nhận mức lương hưu tối thiểu nhưng luật mới là tin không tốt chút nào, đặc biệt là với những người làm việc tay chân", ông Vasily Generalov nói.
Trường hợp của ông Vasily không phải là hiếm bởi Nga đang phải đối mặt với tình trạng dân số già. Hệ thống lương hưu hiện là gánh nặng lớn cho ngân sách liên bang.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói: "Cải cách sẽ mang tới nguồn bổ sung cho quỹ lương hưu. Chính phủ cũng có thể điều chỉnh lương hưu cao hơn so với tỉ lệ lạm phát".
Những ý kiến phản đối cho rằng, nhiều người không sống được đến lúc nhận được tiền hưu trí. Hiện tuổi thọ trung bình của người dân Nga vào khoảng 65 đối với nam giới và 73 đối với nữ giới. Nhưng trên thực tế, chỉ có 3/4 đàn ông Nga sống qua tuổi 55.
Anh Andrei (38 tuổi) - một công nhân Nga nói: "Tôi làm việc với kim loại nặng và sẽ rất lạ nếu ở tuổi 60 hay 65 tôi tiếp tục làm được những công việc mình đang làm bây giờ. Tôi nghĩ đến 55 tuổi mình thể nào cũng bị mắc bệnh kinh niên".
Tuy vậy, những ý kiến ủng hộ lại cho rằng hệ thống hưu trí cần phải điều chỉnh khi kinh tế đất nước có nhiều chuyển biến. Việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết sau nhiều trì hoãn.
"Tuổi thọ trung bình của người Nga đã tăng, trong khi số lượng người trẻ tuổi bắt đầu tham gia lực lượng lao động lại rất nhỏ. Việc đóng góp vào quỹ lương hưu sẽ trở thành gánh nặng lớn dần đối với những người đang làm việc", bà Maria Lipman - Nhà phân tích chính trị độc lập nói.
Độ tuổi về hưu tại Nga đã không thay đổi kể từ đầu những năm 1930 thời Xô Viết. Nga cũng có độ tuổi nghỉ hưu thuộc loại thấp nhất thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!