Những người vô gia cư thì đang cố gắng định cư trong các nghĩa trang của khu vực, trong khi số người thiệt mạng vì xung đột vẫn tăng lên hàng ngày.
Gia đình chị Kamilia Kuhail sống trong một ngôi nhà do chồng chị xây ở rìa phía đông của Sheikh Shaban - nghĩa trang lâu đời nhất trong khu vực. Ngôi nhà nhỏ thậm chí còn xây lên trên phần mộ của hai người vô danh. Sống lâu rồi cũng quen, bởi nhà chị đông nhân khẩu, hai vợ chồng và 6 đứa con đã sống trong nghĩa trang ở trung tâm thành phố Gaza 13 năm rồi.
Chị Kamilia Kuhail - Cư dân sống trong nghĩa trang, Thành phố Gaza nói: "Nếu người chết có thể nói chuyện, họ sẽ nói với chúng tôi rằng hãy ra khỏi đây, rời khỏi nghĩa trang bởi vì chúng tôi đang chiếm tất cả mọi thứ của họ. Chúng tôi sống trên họ, treo quần áo bên trên các ngôi mộ, con cái của chúng tôi đi qua lại và giẫm lên nơi yên nghỉ của họ".
Để vào nhà chị Kuhail thì phải đi xuống 3 bậc thang so với mặt đất. Trong nhà hầu như chẳng có đồ đạc, nhưng lại có một thứ mùi nồng nặc mà chị Kuhail gọi là "mùi của cái chết". Thâm chí đứa con gái 12 tuổi của chị không dám mời bạn tới nhà chơi.
Áp lực về không gian trong nghĩa trang phản ánh thực trạng ngày càng tăng đối với vấn đề đất đai ở Dải Gaza, một mảnh đất hẹp giữa Ai Cập và Israel, nơi đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học gia tăng trong nhiều năm.
Ông Khaled Hijazi - Quản trang, Nghĩa trang Sheikh Radwan cho biết: "Ở đây cấm chôn, khó kiếm chỗ nhưng người ta không nghe, vì không có nghĩa trang nào khác, còn chúng tôi khổ sở vì mật độ dân cư đông đúc. Người ta hay đến lúc nửa đêm hoặc sáng sớm, khi chúng tôi không có mặt ở đây. Họ phá mộ cũ để lấy chỗ chôn cất mới. Đến chiều thì thấy họ đưa tang đến nghĩa trang, trong khi chúng tôi không biết ai đã chuẩn bị mồ mả cả".
Theo ông Naji Sarhang - Thứ trưởng Bộ Nhà ở Gaza: "Chúng tôi cần 14.000 đơn vị nhà ở hàng năm để theo kịp với sự gia tăng nhân khẩu học. Nhưng các cuộc chiến tranh thường xuyên khiến chúng tôi bận rộn với việc tái thiết thay vì xây nhà ở mới cho các gia đình, và điều này làm tình trạng thiếu nơi ở càng trầm trọng hơn".
Hiện Bộ Nhà ở Gaza - nơi quản lý các vấn đề về tôn giáo ở Gaza đã đóng cửa 24 nghĩa trang đã hết công suất, mặc dù nhiều gia đình vẫn tiếp tục chôn cất người đã khuất trong các nghĩa địa cũ gần nhà của họ. Thứ trưởng Sarhang cho biết, giới chức đã phân bổ các nghĩa trang mới ở bốn thành phố khác, nhưng hiện phải tìm chỗ thay thế ngay cho nghĩa trang lớn nhất nằm ở thành phố phía bắc Gaza, nơi sinh sống của khoảng 750.000 người. Dân số của Dải Gaza dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi trong vòng 30 năm tới, nhưng đất đai đang dần cạn kiệt và vẫn là một bài toán chưa có lời giải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!