Trung Quốc 5 ngày liền ghi nhận ca mắc mới, Nga, Anh liên tiếp có số ca nhiễm và tử vong cao kỷ lục

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ sáu, ngày 22/10/2021 06:07 GMT+7

Đến nay, hơn 243,1 triệu người trên toàn cầu đã mắc COVID-19. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 22/10, thế giới có trên 243,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,94 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 46,1 triệu ca mắc và hơn 752.800 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 49.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Mỹ sẵn sàng triển khai chương trình tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi trong tháng 11, ngay sau khi vaccine của Pfizer được cấp phép sử dụng cho trẻ nhỏ trong lứa tuổi trên. Đây là thông báo vừa được Nhà Trắng đưa ra. Dự kiến, quyết định cấp phép sẽ được đưa ra trong vài tuần tới. Nếu được chấp thuận, sẽ có 28 triệu trẻ em Mỹ ở độ tuổi từ 5-11 đủ điều kiện tiêm phòng.

Trước mắt, Chính phủ Mỹ đã chỉ đạo thiết lập các điểm tiêm chủng ở hơn 100 hệ thống bệnh viện nhi trên toàn quốc, cũng như tại các phòng khám, nhà thuốc và các trường học. 15 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được phân phối trong những ngày đầu triển khai chương trình tiêm chủng. Ngoài ra, nguồn cung vaccine cho trẻ cũng sẽ được đảm bảo để đáp ứng cho từng hộ gia đình trên cả nước.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 21/10, nước này ghi nhận hơn 15.700 ca mắc mới COVID-19 và 232 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên triệu 34,1 người mắc COVID-19, bao gồm hơn 453.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Chín tháng sau khi phát động chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc, Ấn Độ đã vượt ngưỡng tiêm 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19. Tính đến 11h ngày 21/10, đã có 708,4 triệu người dân nước này tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 và 292 triệu người tiêm mũi hai, tương đương khoảng 21% dân số được tiêm phòng đầy đủ. Chính phủ Ấn Độ đang đặt mục tiêu tiêm đủ liều cho toàn bộ dân số trưởng thành vào cuối năm 2021.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 604.300 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,68 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Nga đang phải tăng cường các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 giữa làn sóng dịch mới, khi số người nhiễm trong những ngày vừa qua đã vượt quá 34.000 ca mỗi ngày, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát từ đầu năm 2020. Tính đến nay, Nga đã ghi nhận tổng cộng hơn 8,1 triệu ca nhiễm COVID-19. Đáng lo ngại nhất là số ca tử vong vì COVID-19 đã lên tới hơn 1.000 người/ngày. Ngày 21/10, Nga ghi nhận 36.339 ca mắc mới và 1.036 người thiệt mạng vì COVID-19.

Nga ngày 21/10 thông báo một số ca nhiễm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là dễ lây nhiễm hơn cả biến thể Delta. Hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao của Cơ quan giám sát tiêu dùng quốc gia Kamil Khafizov cho biết, có khả năng biến thể AY 4.2 này sẽ lây lan rộng, có thể khiến số ca mắc mới COVID-19 ở Nga, hiện đã ở mức cao kỷ lục, tăng hơn nữa.

Nguyên nhân cho thực trạng trên là do sự lây lan nhanh và mạnh của biến thể Delta, lại đúng vào thời điểm giao mùa ở nước Nga, khi các bệnh cúm mùa phát triển. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn khiến làn sóng dịch mới bùng phát mạnh ở Nga lại mang tính chủ quan, đó là tốc độ tiêm chủng chậm. Nhiều người dân Nga đến nay vẫn không muốn đi tiêm vaccine phòng COVID-19. Theo số liệu mới nhất được công bố, hiện chỉ hơn 47 triệu người, gần 1/3 dân số Nga, đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng tại Nga đạt khoảng 45%.

Trước mắt, toàn nước Nga sẽ có một tuần không làm việc, từ ngày 30/10 đến ngày 7/11. Những vùng có tình hình dịch tễ khó khăn nhất có thể áp dụng sớm hơn. Tại tâm dịch thủ đô Moscow, những ngày không làm việc sẽ bắt đầu từ ngày 28/10. Chính quyền Moscow ra quyết định đóng cửa các hoạt động kinh doanh trong thời điểm này, ngoại trừ các hiệu thuốc và các cửa hàng thiết yếu, khóa toàn bộ thẻ xã hội của những người dân trên độ tuổi 60 nhưng chưa tiêm vaccine. Hiện nhiều khu vực ở Nga cũng đang tăng yêu cầu tiêm chủng bắt buộc. Nếu như trước đây Moscow yêu cầu bắt buộc đối với ngành dịch vụ là ít nhất 60% nhân viên phải được tiêm phòng, nay tỷ lệ này là 80% và phải hoàn thành trong năm nay.

Trung Quốc 5 ngày liền ghi nhận ca mắc mới, Nga, Anh liên tiếp có số ca nhiễm và tử vong cao kỷ lục - Ảnh 1.

Ngày 21/10, Anh ghi nhận số ca mắc COVID cao kỷ lục với hơn 52.000 trường hợp. (Ảnh: AP)

Tại Anh, các lãnh đạo ngành y tế đã kêu gọi Chính phủ nước này tái áp đặt một số biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 để giảm tải sức ép cho các cơ sở y tế. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 và nhập viện tại Anh đang gia tăng. Theo đại diện dịch vụ y tế công ở Anh, xứ Wales và Bắc Ireland, các bệnh viện đang đối mặt với nguy cơ quá tải vào mùa đông và cần hành động của Chính phủ.

Hiện ngành y tế Anh đang gặp vấn đề trong những khâu chủ chốt, trong đó có việc đảm bảo thời gian chờ trong khoa cấp cứu, thời gian đáp ứng nhu cầu cấp cứu và giải quyết số bệnh nhân đang chờ điều trị. Giới chức y tế kêu gọi sớm áp dụng biện pháp khi nền kinh tế vẫn được duy trì, thay vì đợi đến khi tình hình trở nên tồi tệ và cần đến những biện pháp hạn chế cứng rắn hơn.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Anh có nguy cơ lên tới 100.000 ca/ngày trong mùa đông năm nay. Đây là cảnh báo được Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid đưa ra. Trước nguy cơ này, ông Javid đã lên tiếng kêu gọi người dân nên nhanh chóng tiêm vaccine ngừa COVID-19 cũng như tiêm mũi nhắc lại Nếu không, theo kế hoạch B, các biện pháp hạn chế như yêu cầu đeo khẩu trang, làm việc từ xa và yêu cầu xuất trình chứng nhận tiêm vaccine sẽ được bàn hành. 

Trước đó, các lãnh đạo ngành y tế Anh đã kêu gọi Chính phủ tái áp đặt một số biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 để giảm tải sức ép cho các cơ sở y tế, tránh nguy cơ quá tải vào mùa đông. Tuy nhiên, Bộ trưởng y tế Anh khẳng định, vào thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn theo dõi chặt chẽ thống kê số ca mắc COVID-19 và trước mắt chưa có ý định triển khai kế hoạch B.

Ngày 21/10, Anh đã báo cáo 52.009 trường hợp mắc COVID-19 mới, mức cao nhất kể từ ngày 17/7 và 115 trường hợp tử vong.

Từ ngày 22/10, thành phố Melbourne, thành phố lớn thứ hai tại Australia, sẽ kết thúc 262 ngày phong tỏa, quãng thời gian phong tỏa lâu nhất trên thế giới, khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của bang Victoria đạt mục tiêu 70%. Theo truyền thông Australia, tính đến ngày 21/10, hơn 5 triệu người dân thành phố này đã thực hiện lệnh phong tỏa trong tổng cộng 262 ngày, tương đương gần 9 tháng kể từ tháng 3/2020. Đây là khoảng thời gian phong tỏa dài nhất thế giới, vượt qua thủ đô Buenos Aires của Argentina với thời gian 234 ngày.

Đến nay, Australia ghi nhận trên 152.000 ca mắc COVID-19 và 1.590 người thiệt mạng, con số tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã họp khẩn với giới chức y tế nước này ngay trong đêm để thảo luận về biến thể phụ AY4.2, còn gọi là Delta Plus, biến thể từ chủng Delta của virus SARS-CoV-2. Trong tuyên bố sau cuộc họp, Chính phủ Israel thông báo sẽ tiến hành mọi biện pháp nhằm bảo vệ thành quả trong cuộc chiến chống dịch bệnh. 

Thủ tướng Bennett yêu cầu tăng cường điều tra dịch tễ đối với biến thể phụ, yêu cầu liên lạc chặt chẽ với các nước đã phát hiện biến thể phụ này. Theo ông Bennett, Israel sẽ cân nhắc thay đổi các yêu cầu nhập cảnh đối với du khách

Singapore sẽ kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay thêm một tháng. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 18 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất từ trước tới nay, và hơn 3.800 ca mắc mới.

Thống kê từ cơ quan chức năng Singapore cho thấy, có tới 98,6% số ca mắc mới là ở thể nhẹ và không có triệu chứng. Chỉ có 1,1% số ca mắc cần bổ sung máy thở oxy và 0,1% cần chăm sóc tích cực. Tuy nhiên, với số ca mắc mới tiếp tục tăng, có lúc gần chạm mốc 4000 ca mỗi ngày, hệ thống y tế đang trở nên quá tải.

Lực lượng đặc nhiệm xử lý COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị các chiến lược nhằm ngăn chặn đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 3 được dự báo sẽ xảy ra trong dịp nghỉ lễ cuối năm sắp tới.

Trung Quốc 5 ngày liền ghi nhận ca mắc mới, Nga, Anh liên tiếp có số ca nhiễm và tử vong cao kỷ lục - Ảnh 2.

Singapore quyết định kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay thêm một tháng. (Ảnh: AP)

Một loạt biện pháp đang được tăng cường, trong đó có việc thực thi các quy định y tế nghiêm ngặt, cũng như nâng tỷ lệ tiêm chủng ở những người cao tuổi và trẻ em. Một động thái khác là tránh nguy cơ từ khách du lịch quốc tế. Theo đó, tất cả du khách nước ngoài đều phải đáp ứng các điều kiện như đã được tiêm phòng đầy đủ và trải qua thời gian cách ly bắt buộc. Mặt khác, Chính phủ Indonesia sẽ tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc giám sát các hoạt động cộng đồng và nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định y tế như giữ khoảng cách, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang.

Trong thông cáo ngày 21/10, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 151 ca mắc mới COVID-19 ở nước này trong 24 giờ qua, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021, trong đó có 21 người nhập cảnh và 130 trường hợp lây nhiễm cộng đồng. Bộ trên cũng thông báo thêm 11 trường hợp tử vong do COVID-19, trong đó 7 người chưa tiêm phòng. Như vậy, tính đến nay Campuchia, đã ghi nhận tổng cộng 117.352 ca mắc COVID-19, trong đó 112.056 người đã khỏi bệnh và 2.704 người tử vong.

Các số liệu ca mắc mới mỗi ngày ở mức thấp, số ca tử vong giảm trong khi số người tiêm phòng COVID-19 tăng là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh Campuchia đang tiến tới thời điểm mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế vì đã qua 14 ngày kể từ sau Lễ Pchum Ben, số ca mắc mới ở nước này vẫn ổn định, thậm chí giảm so với trước dịp lễ này, đồng thời số ca tử vong giảm xuống dưới 20 ca/ngày.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã công bố dữ liệu cho thấy, các ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng tiếp tục xuất hiện tại 8 thành phố và đơn vị hành chính nước này. Đây là diễn biến đáng báo động, khiến các nhà chức trách địa phương phải đẩy nhanh việc truy vết, xét nghiệm diện rộng, trong khi Chính phủ Trung Quốc vẫn kiên quyết với chính sách "Không COVID".

Các ca mắc mới tập trung chủ yếu ở vùng Bắc và Tây Bắc Trung Quốc, một số ca được báo cáo ở miền Nam và Tây Nam. Đáng chú ý có ca xuất hiện ở thủ đô Bắc Kinh, nơi hiện đang gấp rút chuẩn bị cho việc đăng cai Olympic mùa Đông 2022.

Trước tình hình trên, chính quyền Trung Quốc đã triển khai xét nghiệm hàng loạt, đóng cửa các danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch, trường học và địa điểm vui chơi giải trí tại những khu vực bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa trên phạm vi nhỏ đối với các khu nhà dân. Trong danh sách một số vùng có Lan Châu ở miền Tây Bắc Trung Quốc với khoảng 4 triệu dân. Chính quyền thành phố khuyến cáo người dân không rời khỏi địa phương nếu không có việc cấp thiết.

Trung Quốc đã duy trì cách tiếp cận chính sách "Không COVID" với các biện pháp đóng cửa biên giới nghiêm ngặt và phong tỏa trong phạm vi hẹp. Theo đó, Trung Quốc đã loại bỏ được phần lớn các đợt bùng phát dịch trong nước, nhưng các ca mắc mới COVID-19 đã xuất hiện ngày thứ 5 liên tiếp ở nước này. Theo thông báo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, ngày 21/10, nước này ghi nhận thêm 21 ca mắc mới COVID-19.

Thủ đô Mỹ mở cửa trường học an toàn, tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh trong tháng 11 Thủ đô Mỹ mở cửa trường học an toàn, tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh trong tháng 11 Ngành y tế Anh kêu gọi gia hạn biện pháp phòng dịch Ngành y tế Anh kêu gọi gia hạn biện pháp phòng dịch Israel: Vaccine của Pfizer-BioNTech giúp giảm 90% nguy cơ nhiễm biến thể Delta ở trẻ vị thành niên Israel: Vaccine của Pfizer-BioNTech giúp giảm 90% nguy cơ nhiễm biến thể Delta ở trẻ vị thành niên

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước