Trung Quốc bùng phát ổ dịch COVID-19, nhiều nước gia tăng số ca mắc mới

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Chủ nhật, ngày 12/06/2022 06:33 GMT+7

Đến nay, hơn 540 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 12/6, thế giới có trên 540 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,33 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 87,25 triệu ca mắc và hơn 1,035 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 12.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Từ tuần tới, hành khách quốc tế đến Mỹ bằng đường hàng không sẽ không phải trình chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi khởi hành. Quyết định này đưa ra dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học và dữ liệu thực tế cho thấy, quy định về xét nghiệm COVID-19 không còn cần thiết. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ sẽ đánh giá lại quyết định này sau 90 ngày.

Cơ quan Quảrn lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) mới đây đã công bố kết quả phân tích độc lập dữ liệu thử nghiệm lâm sàng vaccine Moderna với trẻ dưới 5 tuổi. Giới chức y tế Mỹ xác nhận, các dữ liệu do hãng dược phẩm Moderna cung cấp về hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi là chính xác. Trong tuần tới, cơ quan chức năng dự kiến sẽ quyết định về việc có cấp phép tiêm 2 mũi vaccine của hãng cho nhóm trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi hay không.

FDA cho biết, hiệu quả phòng bệnh COVID-19 có triệu chứng của vaccine này ở nhóm trẻ từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi là 51% và ở nhóm từ 2 - 5 tuổi là 37%. FDA nêu rõ, dù hiệu quả vaccine ở nhóm tuổi này thấp hơn nhóm trưởng thành nhưng vẫn có hiệu quả tốt trong bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 11/6, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,21 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 668.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 31,41 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Chính phủ Canada sẽ tạm ngừng xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên đối với hành khách đi máy bay, nhưng vẫn giữ nguyên quy định về vaccine đối với hoạt động đi lại trong nội địa. Cụ thể, kể từ ngày 11/6, Canada sẽ ngừng xét nghiệm ngẫu nhiên đối với du khách đã được tiêm phòng đầy đủ. Đến ngày 1/7, xét nghiệm ngẫu nhiên sẽ được nối lại ở bên ngoài các sân bay. Những thay đổi này là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Canada nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn tại các sân bay, đặc biệt là tại sân bay quốc tế Toronto Pearson, dẫn đến việc hành khách phải chờ đợi hàng giờ, bị lỡ chuyến bay... Ottawa cũng đã tuyển dụng thêm nhân viên kiểm tra an ninh và đang lắp đặt thêm nhiều kios hải quan.

Trung Quốc bùng phát ổ dịch COVID-19, nhiều nước gia tăng số ca mắc mới - Ảnh 1.

Canada sẽ tạm ngừng xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên đối với hành khách đi máy bay. (Ảnh: AP)

Ngành hàng không và đảng Bảo thủ đối lập đã đổ lỗi cho sự hỗn loạn ở các sân bay của Canada một phần là do các quy định liên quan đến COVID-19 và đang kêu gọi chấm dứt các quy định về vaccine và xét nghiệm.

Canada đã bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với những người trước khi đến nước này, nhưng không giống như Mỹ và nhiều quốc gia khác, Canada yêu cầu khách du lịch trong nước bằng đường hàng không và đường sắt phải được tiêm phòng. Một trang web của Chính phủ Canada về COVID-19 đã trích dẫn kết quả nghiên cứu cho thấy, những hành khách đã tiêm chủng ít có nguy cơ mắc bệnh hơn 74% so với người chưa tiêm

Chính phủ Chile đã kêu gọi người dân nước này tăng cường các biện pháp tự bảo vệ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 5.

Phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Santiago, Thứ trưởng Bộ Y tế Chile Cristobal Cuadrado cho biết, các ca lây nhiễm COVID-19 đang có xu hướng gia tăng tại Chile trong thời gian gần đây trong khi nước này chuẩn bị bước vào mùa đông. Vì thế, người dân nên tăng cường các biện pháp tự bảo vệ và tự chăm sóc, bao gồm tiếp tục sử dụng khẩu trang, giữ khoảng cách hợp lý và tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine ngừa bệnh.

Tại Nam Mỹ, trước tình trạng gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian gần đây, Bộ Y tế công cộng Uruguay đã khuyến nghị người dân nên sử dụng khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra, Bộ trên cũng bắt buộc tất cả những người có các triệu chứng về đường hô hấp phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. Nhân viên y tế, người lao động trong hệ thống y tế và cán bộ y tế phụ trách chăm sóc các nhóm bệnh nhân dễ bị tổn thương cũng sẽ phải tuân thủ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang.

Trước đó, Bộ Y tế công cộng Uruguay ra thông báo cho biết, virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục lây lan trong cộng đồng trong những tuần gần đây. Cho đến nay, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận hơn 934.900 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 7.262 trường hợp tử vong. Về tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19, hiện đã có 81% dân số Uruguay hoàn thành phác đồ tiêm phòng và gần 60% dân số được tiêm mũi tăng cường.

Indonesia đã phát hiện những trường hợp đầu tiên nhiễm các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron gây bệnh COVID-19 trên đảo Bali. Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, đảo Bali đã ghi nhận 4 ca nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron. Nhà chức trách đang tìm hiểu để xác định khả năng lây truyền của BA.4 và BA.5, cũng như hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine phòng COVID-19 với các biến thể phụ này.

Đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng trên 6 triệu ca mắc COVID-10. Kết quả cuộc khảo sát huyết thanh do Bộ Y tế Indonesia thực hiện vào tháng 3/2022 cho thấy, 99,2% dân số Indonesia có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2

Chính phủ Indonesia có thể áp dụng trở lại quy định đeo khẩu trang khi hoạt động ngoài trời trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 gia tăng và đẩy mạnh tiêm chủng trong 2 tháng tới. Nếu COVID-19 được kiểm soát thành công, Indonesia có thể tuyên bố COVID-19 là căn bệnh đặc hữu vào dịp Quốc khánh 17/8.

Tổng cục Du lịch Thái Lan và các hiệp hội du lịch Thái Lan đã đạt thỏa thuận đề xuất miễn lệ phí thị thực cho khách quốc tế, và gia hạn thời gian nhập cảnh từ 30 lên 45 ngày đối với du khách đến từ các quốc gia không yêu cầu thị thực trong nửa cuối năm nay. Các bên cũng thống nhất đề xuất dỡ bỏ các hạn chế về thời gian hoạt động dịch vụ giải trí vào ban đêm, giảm các địa điểm bắt buộc phải đeo khẩu trang, dừng kiểm tra thân nhiệt tại các khu vực.

Ngoài ra, các hiệp hội du lịch cũng ủng hộ đề xuất bỏ áp dụng Thẻ thông hành Thái Lan, có nghĩa là các yêu cầu đối với du khách đến nước này sẽ chỉ bao gồm giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 và bảo hiểm y tế. Các đề xuất trên dự kiến sẽ được đệ trình lên Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan xem xét thông qua trong tuần tới.

Trung Quốc bùng phát ổ dịch COVID-19, nhiều nước gia tăng số ca mắc mới - Ảnh 2.

Ngày 11/6, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 138 ca mắc mới. (Ảnh: AP)

Trung Quốc tiếp tục lo ngại trước sự gia tăng ca nhiễm COVID-19 mới. Ngày 11/6, nước này ghi nhận tổng cộng 138 ca mắc mới. Trong đó, thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới. Do đó, hai thành phố lớn nhất của Trung Quốc lại một lần nữa phải áp đặt các lệnh đóng cửa mới và tiến hành xét nghiệm hàng loạt.

61 trường hợp mới được phát hiện trong ngày 11/6 tại Bắc Kinh đều liên quan đến một quán bar ở quận Triều Dương. Hơn 4.000 người có tiếp xúc gần với những người nhiễm bệnh đã được đưa đi cách ly. Số ca nhiễm tăng bất ngờ khiến chính quyền thành phố Bắc Kinh phải rút lại quy định mở cửa trở lại nhà hàng, phòng tập gym và hoạt động kinh doanh dịch vụ khác.

Số ca nhiễm tăng bất ngờ khiến một số quận ở thủ đô Bắc Kinh đóng cửa các trung tâm giải trí, buộc khu nghỉ dưỡng Universal Bắc Kinh, nơi có quần thể công viên giải trí Universal Studios, phải lùi thời gian mở cửa trở lại đến sau ngày 15/6.

Trước diễn biến liên quan đến ổ dịch mới, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã rút lại quy định về mở cửa trở lại nhà hàng, phòng tập gym và hoạt động kinh doanh dịch vụ khác. Các hộp đêm, quán bar, tiệm cà phê Internet tại quận Triều Dương được lệnh đóng cửa. Quận Đông Thành nằm sát quận Triều Dương cũng đã ra lệnh đóng cửa các trung tâm, khu vui chơi giải trí.

Nhà chức trách Trung quốc ngày 11/6 cho biết, hầu hết trẻ em tại thủ đô Bắc Kinh sẽ không trở lại trường học vào tuần tới như kế hoạch ban đầu

Trong khi đó, Thượng Hải cũng phát hiện 16 trường hợp mắc mới COVID-19. Thành phố này đang tiến hành xét nghiệm hàng loạt ở 15 trong số 16 quận của thành phố. Cơ quan y tế Thượng Hải yêu cầu người dân: hạn chế đến các khu vực đông đúc.

Ngày 11/6, Đài Loan (Trung Quốc) cho biết sẽ cắt giảm kiểm dịch bắt buộc đối với tất cả những người nhập cảnh từ 7 ngày xuống còn 3 ngày. Đây là động thái nới lỏng kiểm dịch COVID-19 mới nhất của Đài Loan (Trung Quốc) nhằm nỗ lực sống chung với COVID-19 và tiếp tục cuộc sống bình thường ngay cả khi vùng lãnh thổ này đang phải đối phó với thực trạng gia tăng số ca mắc mới.

Đài Loan đã duy trì quy định kiểm dịch khi phần lớn các quốc gia còn lại của châu Á đã nới lỏng hoặc dỡ bỏ hoàn toàn những biện pháp kiểm soát biện giới. Trước đó, vào tháng 5, Đài Loan đã giảm số ngày cách ly đối với du khách nhập cảnh từ 10 ngày xuống 7 ngày.

Đài Loan đã báo cáo hơn 2,7 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 kể từ đầu năm 2022 do biến thể Omicron dễ lây lan hơn. Tuy nhiên, do hơn 99% trong số ca mắc không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, chính quyền Đài Loan đã nới lỏng các hạn chế trong cái mà họ gọi là "mô hình Đài Loan mới". Trung tâm Chỉ huy dịch tễ trung ương của Đài Loan cho biết, quy định mới về việc giảm thời gian kiểm dịch sẽ bắt đầu được triển khai từ ngày 15/6.

Hai loại vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng do hãng CanSino Biologics (Trung Quốc) sản xuất dựa trên công nghệ mRNA đã chứng minh hiệu quả trong các thử nghiệm tiền lâm sàng, qua đó cho thấy tính khả thi đối với các thử nghiệm trên người. Kết quả một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Emerging Microbes & Infections cho thấy, hai loại vaccine mRNA-Beta và mRNA-Omicron có thể tạo ra mức kháng thể trung hòa cao chống lại virus SARS-CoV-2 phiên bản gốc và nhiều biến thể của virus này, chẳng hạn như Beta, Delta và Omicron.

Nghiên cứu trên chuột khẳng định, việc tiêm 2 liều vaccine mRNA-Beta có thể tạo ra "tấm lá chắn" vững chắc trước virus SARS-CoV-2, đặc biệt là đối với biến thể Beta. Trong khi đó, mRNA-Omicron được đề xuất tiêm nhắc lại ở những con chuột trước đó đã được tiêm vaccine mRNA-Beta hoặc Ad5-nCoV - loại vaccine ngừa COVID-19 tái tổ hợp do CanSino Biologics sản xuất, để tăng cường khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron.

Thái Lan nỗ lực phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19 Thái Lan nỗ lực phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19 Thượng Hải bắt đầu đợt xét nghiệm COVID-19 hàng loạt mới, số ca mắc mới ở Bắc Kinh tăng vọt Thượng Hải bắt đầu đợt xét nghiệm COVID-19 hàng loạt mới, số ca mắc mới ở Bắc Kinh tăng vọt Đài Loan (Trung Quốc) giảm cách ly COVID-19 đối với người nhập cảnh xuống còn 3 ngày Đài Loan (Trung Quốc) giảm cách ly COVID-19 đối với người nhập cảnh xuống còn 3 ngày

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước