Trung Quốc hạn chế mối liên hệ giữa ngân hàng và các nền tảng fintech
(Nguồn: Reuters)
Trung Quốc vừa tuyên bố có thể sẽ hạn chế số lượng ngân hàng mà một nền tảng fintech có thể liên kết, trong nỗ lực ngăn chặn khả năng thâu tóm quá nhiều thị phần của các công ty công nghệ. Bởi thực tế, càng ôm trọn nhiều miếng bánh thị trường, các ông lớn sẽ càng khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đứng trước rủi ro về nợ xấu tăng cao.
Theo ông Lou Jiwei, cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, "số lượng ngân hàng liên kết fintech sẽ bị giới hạn, để các nền tảng công nghệ hoạt động kinh doanh trong một môi trường, điều kiện như nhau. Các nền tảng không nên trở thành "người thâu tóm tất cả".
Kế hoạch hạn chế mối quan hệ giữa các ngân hàng và nền tảng fintech, cũng như các quy định hạn chế mới của Bắc Kinh về hành vi chống độc quyền, chính là những tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy các công ty công nghệ lớn sẽ không còn được hưởng đặc quyền tại quốc gia này.
Trung Quốc hạn chế mối liên hệ giữa ngân hàng và các nền tảng fintech (Nguồn: Reuters)
Quyết định hạn chế mới được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đại lục tuyên bố sẽ tăng cường giám sát các tập đoàn công nghệ do nghi ngờ một lượng lớn dữ liệu người dùng đã bị các doanh nghiệp này bị truy cập. Giới chức Bắc Kinh thậm chí còn cân nhắc áp thuế kỹ thuật số đối với những công ty công nghệ nắm giữ lượng lớn dữ liệu cá nhân.
Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc trước đó cũng tuyên bố mức phạt 500.000 Nhân dân tệ đối với Tencent Holdings, Alibaba và SF Express do những tập đoàn này không báo cáo chính quyền về các thương vụ mua bán, sáp nhập theo luật Chống độc quyền.
Trong thông báo, Cơ quan Quản lý Thị trường Nhà nước Trung Quốc SAMR cho biết Alibaba đã tăng cổ phần của tập đoàn này lên 73,79% trong công ty bách hóa Intime Retail Group vào năm 2017 mà không hề có sự cho phép. Nhà xuất bản trực tuyến và sách điện tử China Literature được tách ra từ Tencent, cũng bị phạt số tiền tương tự vì không xin phép cơ quan quản lý khi thâu tóm New Classics Media. SAMR cũng cho biết đang xem xét thương vụ giữa DouYu International Holdings và Huya - màn sáp nhập có thể tạo ra nền tảng stream game dẫn đầu Trung Quốc.
Alibaba bị phạt 500.000 Nhân dân tệ do tập đoàn này không báo cáo chính quyền về các thương vụ mua bán, sáp nhập theo luật Chống độc quyền (Nguồn: Reuters)
Mức phạt này được cho là có thể lên tới 10% doanh thu công ty, sau khi bộ luật được sửa đổi và thắt chặt hơn nữa vào năm sau. Theo ông Scott Yu, luật sư công ty Zhonglun, "những gì các công ty công nghệ lớn đang phải đối mặt là sự thắt chặt các quy định đa chiều".
Động thái này đánh dấu lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc mạnh tay trừng phạt các công ty công nghệ lớn vì lý do chống độc quyền – "tấm gương" cụ thể nhất mà Bắc Kinh muốn gửi tới các công ty công nghệ và mạng xã hội nước này.
Trước đó, các quy định mới từ chính quyền đại lục cũng khiến kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 37 tỷ USD của Ant Group – vốn được kỳ vọng trở thành đợt IPO lớn nhất thế giới - phải ngậm ngùi tạm gác lại.
Theo South China Morning Post, riêng tại Hong Kong (Trung Quốc), khoảng 1,55 triệu nhà đầu tư lẻ đặt cọc 167,7 tỷ USD để mua cổ phiếu Ant Group. Màn IPO lỡ dở của Ant Group khiến start-up tài chính của tỷ phú Jack Ma phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đặt cọc trên. Tập đoàn này cũng phải trả lại số tiền khổng lồ gần 3.000 tỷ USD mà 3,5 triệu nhà đầu tư ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã cọc trước.
Màn IPO lỡ dở của Ant Group khiến start-up tài chính của tỷ phú Jack Ma phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đặt cọc của các nhà đầu tư (Nguồn: Reuters)
Trong bối cảnh sức ép từ chính phủ ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp lớn như Alibaba đang dần có thái độ mềm mỏng hơn. Hồi tuần trước, lãnh đạo Ant Group cho biết, công ty này đang nỗ lực "xử lý đúng cách" các vấn đề liên quan tới việc đình chỉ thương vụ IPO của công ty.
Mới đây nhất Nhật báo Phố Wall tiết lộ, tỷ phú Jack Ma từng bày tỏ quan điểm sẵn sàng làm những gì đất nước cần, để cứu vãn mối quan hệ đang dần xấu đi với Bắc Kinh, trong đó bao gồm cả việc quốc hữu hóa một phần đế chế tài chính Ant Group.
Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất tăng cường sức ép lên các đại gia công nghệ. Hàn Quốc, Australia và các quốc gia Đông Nam Á cũng đang thực hiện kế hoạch áp thuế kỹ thuật số nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp.
Mới đây nhất, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã chính thức công bố các dự thảo luật nhắm vào những "gã khổng lồ" công nghệ như Google, Amazon và Facebook. Theo đó, một bộ quy tắc có tên Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) được ra đời, nhắm thẳng vào những gã khổng lồ công nghệ, hay "người gác cổng" của thị trường trực tuyến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!