Bầu cử Tổng thống Mỹ có phải chỉ là bầu cử Tổng thống?
Mặc dù bầu cử Tổng thống hầu như là cuộc chạy đua được quan tâm nhất ở các kỳ bầu cử tại Mỹ, nhưng trên thực tế cùng với bầu cử Tổng thống tại Mỹ hiện nay luôn bao gồm nhiều cuộc bỏ phiếu khác nhau diễn ra đồng thời.
Một mẫu phiếu bầu cử năm 2016 với rất nhiều nội dung được bỏ phiếu đồng thời (Nguồn: AP)
Bên cạnh bầu Tổng thống, hầu hết người dân Mỹ còn bỏ phiếu lựa chọn các nghị sĩ Quốc hội (Hạ viện và Thượng viện). Ngoài ra, tùy theo yêu cầu của từng bang mà trên lá phiếu của cử tri sẽ còn có những câu hỏi khác như bầu Thống đốc bang, bầu cơ quan lập pháp và các chức vụ dân cử của bang hay trưng cầu dân ý về một số vấn đề được đưa ra.
Nghị sĩ Quốc hội Mỹ được bầu như thế nào?
Theo Hiến pháp Mỹ thì cứ 2 năm một lần sẽ bầu lại toàn bộ Hạ viện và 1/3 số thành viên của Thượng viện.
Hạ viện Mỹ gồm có 435 thành viên, được phân bổ cho các bang theo dân số dựa trên thống kê dân cư toàn quốc 10 năm một lần. Mỗi bang sẽ có ít nhất 1 Hạ nghị sĩ, bất kể dân số ít đến đâu. Hiện có 7 bang chỉ có 1 Hạ nghị sĩ; còn bang đông dân nhất là California có nhiều Hạ nghị sĩ nhất: 55 người. Các bang sẽ được chia thành những địa hạt bầu cử. Ở mỗi địa hạt, người dân sẽ bầu cho một Hạ nghị sĩ duy nhất.
Đồi Capitol tại thủ đô Washington D.C., nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ (Nguồn: AP)
Khác với Hạ viện chia theo dân số, ở Thượng viện, mỗi bang đều có 2 đại diện, bất kể quy mô dân số ra sao. Ban đầu Thượng nghị sĩ không phải do dân bầu nhưng từ sau Tu chính án thứ 17 của Hiến pháp Mỹ, cử tri tại các bang sẽ trực tiếp bầu Thượng nghị sĩ của bang đó. Mỗi thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm, thay vì 2 năm như Hạ nghị sĩ.
Năm nay sẽ có tổng cộng 435 ghế Hạ Viện và 35 ghế Thượng viện Mỹ được bầu lại cùng với kỳ bầu cử Tổng thống.
Người dân Mỹ có thật sự được bỏ phiếu bầu Tổng thống? Phiếu đại cử tri là gì?
Lý do cho sự hình thành của hệ thống bầu cử Tổng thống Mỹ phức tạp hiện nay là các chính trị gia Mỹ thời lập quốc, những tác giả của bản Hiến pháp, không ủng hộ việc cử tri trực tiếp bầu tổng thống.
Theo Hiến pháp Mỹ, không phải người dân mà các Đại cử tri mới là người trực tiếp bầu tổng thống (Nguồn: The New York Times)
Thay vào đó, Hiến pháp Mỹ lập ra Đại cử tri là những người được các bang lựa chọn để bỏ phiếu bầu Tổng thống thay mặt cho người dân. Số Đại cử tri của mỗi bang bằng tổng số nghị sĩ trong Quốc hội (Thượng viện và Hạ viện) của bang đó theo quy định của Hiến pháp. Riêng thủ đô Washington D.C. dù không có nghị sĩ trong Quốc hội nhưng vẫn được trao 3 phiếu đại cử tri theo Tu chính án số 23. Như vậy tổng số Đại cử tri hiện là 538 người.
Hiến pháp Mỹ không quy định cách thức lựa chọn Đại cử tri mà để các bang tự thực hiện việc này. Bởi vậy theo dòng lịch sử, hệ thống này đã được thay đổi rất nhiều so với quan điểm ban đầu của các nhà lập quốc, đặc biệt là có sự tham gia của người dân Mỹ thông qua các lá phiếu phổ thông.
Một cách tóm tắt, có thể hiểu hệ thống bầu cử Tổng thống Mỹ hiện nay gồm 2 loại phiếu bầu:
- Phiếu bầu phổ thông: Là lá phiếu được bỏ bởi tất cả các cử tri Mỹ đi bầu. Tuy nhiên việc kiểm phiếu và công bố kết quả bỏ phiếu được tiến hành dựa theo từng bang. Ứng cử viên giành đa số phiếu bầu phổ thông trên toàn quốc chưa chắc đã là người chiến thắng cuộc bầu cử.
- Phiếu đại cử tri: Sau khi việc kiểm phiếu phổ thông hoàn tất, các đại cử tri mới được lựa chọn dựa trên kết quả bầu phổ thông của mỗi bang. Ở hầu hết các bang, ứng cử viên giành số phiếu phổ thông cao nhất trong bang sẽ giành được toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Người giành quá bán phiếu đại cử tri trên toàn quốc, tương đương với 270 phiếu hiện nay, là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống.
Tổng thống Donald Trump đắc cử năm 2016 dù ít hơn bà Hillary Clinton gần 3 triệu phiếu phổ thông (Nguồn: CNN)
Do cơ chế bầu cử 2 cấp này, kết quả bầu Tổng thống có thể không tương đồng với kết quả số phiếu bầu phổ thông trên toàn quốc. Có 5 kỳ bầu cử (1824, 1876, 1888, 2000 và 2016) mà người trở thành Tổng thống giành ít phiếu phổ thông hơn là ứng cử viên thất bại. Lần gần nhất chính là cách đây 4 năm, khi đương kim Tổng thống Donald Trump vượt qua ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton hơn 70 phiếu đại cử tri, nhưng lại giành được ít hơn khoảng 2,8 triệu phiếu phổ thông.
Ai có thể đi bầu cử tại Mỹ? Họ đi bầu vào lúc nào và theo cách thức nào?
Theo Hiến pháp thì công dân Mỹ từ đủ 18 tuổi trở lên đều có thể tham gia các cuộc bầu cử. Chẳng hạn năm 2016, khoảng 245 triệu người Mỹ có quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên trong các kỳ bầu cử luôn có một bộ phận lớn người dân không muốn đi bỏ phiếu, do không quan tâm tới chính trị hay đơn giản là không thích các ứng cử viên. Số cử tri tham gia bầu cử Tổng thống năm 2016 chỉ là gần 140 triệu người.
Người Mỹ xếp hàng đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử năm nay (Nguồn: CNN)
Luật pháp Mỹ quy định ngày bầu cử là ngày thứ ba ngay sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11. Năm nay ngày này rơi vào ngày 3/11. Tuy nhiên hầu hết người dân Mỹ có thể đi bỏ phiếu sớm hơn ngày bầu cử chính thức. Bên cạnh việc đi bầu trực tiếp ở các phòng phiếu, người dân Mỹ còn có thể thực hiện bỏ phiếu qua bưu điện, một hình thức bị Tổng thống Donald Trump chỉ trích là có thể tạo điều kiện cho gian lận dù không có bằng chứng cho thấy điều này.
Dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số cử tri Mỹ muốn đi bỏ phiếu sớm hoặc bỏ qua bưu điện đã tăng vọt, và một số bang đã cho phép liệt kê dịch bệnh vào lý do để đăng ký bầu qua bưu điện. Ước tính của tờ The New York Times cho thấy cử tri đã bỏ hơn 42 triệu lá phiếu cho đến lúc này, trong đó khoảng 30 triệu là phiếu bầu qua bưu điện, những con số đều đã phá kỷ lục của các kỳ bầu cử trước đây.
Khi nào người chiến thắng trong bầu cử Tổng thống được xác định?
Ngay sau khi các phòng bỏ phiếu đóng cửa, giới chức địa phương sẽ bắt đầu quá trình kiểm phiếu và kết quả từ từng khu vực sẽ dần dần được công bố. Các cơ quan báo chí sẽ theo dõi và cập nhật luôn số phiếu đại cử tri giành được, do vậy thông thường các năm, danh tính người chiến thắng có thể được xác định vài giờ đồng hồ sau khi bỏ phiếu kết thúc.
Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch và số phiếu bầu qua bưu điện cao kỷ lục, nhiều khả năng việc kiểm phiếu sẽ phải kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần lễ. Đó là chưa kể những khiếu nại và quá trình kiểm lại phiếu nếu cần thiết. Chẳng hạn như năm 2000, cần tới hơn 1 tháng để biết được kết quả cuối cùng.
Kết quả bầu cử năm nay có thể được công bố chậm do quá trình kiểm phiếu qua bưu điện kéo dài (Nguồn: CNN)
Sau khi kết quả bầu cử phổ thông được công bố, các đại cử tri sẽ được triệu tập vào ngày 14/12 để bỏ phiếu bầu Tổng thống và Phó Tổng thống. Phiếu đại cử tri được gửi về Quốc hội và kiểm trực tiếp trong phiên họp toàn thể vào ngày 6/1 năm sau.
Dù rất hiếm khi xảy ra, nhưng vẫn có kịch bản không có ứng cử viên nào giành đủ quá bán số phiếu đại cử tri. Khi đó Hạ viện Mỹ sẽ có quyền bầu chọn Tổng thống trong số các ứng cử viên được nhiều phiếu nhất.
Sau khi đã có kết quả chính thức và không còn tranh chấp nào, người đắc cử sẽ tuyên thệ và chính thức đảm nhận vị trí Tổng thống trong buổi lễ diễn ra vào ngày 20/1 năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!