Bầu cử Tổng thống Mỹ qua "đại cử tri": Luôn gây tranh cãi nhưng chưa thể bãi bỏ

Anh Quang (Tổng hợp từ CNN, Project Syndicate, The New York Times)-Thứ hai, ngày 12/10/2020 17:02 GMT+7

VTV.vn - Đại cử tri từ lâu được xem là đặc trưng riêng của cơ chế bầu cử Tổng thống Mỹ. Nhiều ý kiến lo ngại hình thức bỏ phiếu này không phản ánh đúng ý nguyện của đại đa số.

Ai là đại cử tri?

Theo Hiến pháp Mỹ, cử tri Mỹ không bầu trực tiếp ra Tổng thống vì lo ngại dẫn đến xu hướng dân tuý. Thay vào đó, các Đại cử tri Đoàn (gọi tắt là đại cử tri) mới là người đi bầu nhưng dựa trên ý chí và nguyện vọng của cử tri.

Mỹ sử dụng hệ thống bầu cử đại cử tri từ năm 1789. Hiến pháp trao cho tất cả công dân Mỹ trên 18 tuổi quyền bầu cử để chọn đại cử tri. Tổng thống và Phó Tổng thống là những chức danh liên bang duy nhất tại Mỹ được bầu bởi đại cử tri thay vì bầu trực tiếp qua phổ thông đầu phiếu.

Đại biểu Quốc hội không đồng nhất với đại cử tri

Cả nước Mỹ hiện có 538 đại cử tri. Số đại cử tri của mỗi bang tương ứng số Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ của mỗi bang trong Quốc hội Mỹ. Thủ đô Washington, D.C không có nghị sĩ trong Quốc hội nhưng vẫn có 3 phiếu đại cử tri. Bang chiếm nhiều số đại cử tri nhất là California với 55 đại cử tri, tiếp đó là Texas - 38, New York - 29. Các bang có ít đại cử tri nhất là Alaska, Delaware, Montana, North Dakota, South Dakota, Vermont, Wyoming. Mỗi bang này chỉ có 3 đại cử tri.

Ở hầu hết các bang, ứng cử viên nào giành được 50,1% số phiếu phổ thông sẽ được trao 100% số phiếu Đại cử tri của bang đó, ngoại trừ bang Maine và bang Nebraska không tuân theo nguyên tắc "Winner takes all" (người chiến thắng được tất cả). Hai bang này chia tỉ lệ phiếu bầu đại cử tri theo các hạt bầu cử, có nghĩa là phải được đa số cử tri trong hạt bầu thì ứng cử viên mới đoạt được số phiếu đại cử tri được phân cho hạt đó.

Bầu cử Tổng thống Mỹ qua đại cử tri: Luôn gây tranh cãi nhưng chưa thể bãi bỏ - Ảnh 1.

Nguồn: usa.gov/election

Như vậy, để giành được chức Tổng thống, ứng cử viên cần đoạt được đa số phiếu đại cử tri của cả nước là 270 phiếu trên tổng số 538 phiếu.

Vào ngày thứ Hai đầu tiên sau ngày thứ Tư thứ hai của tháng 12 trong năm bầu cử Tổng thống (năm nay là ngày 14/12), các đại cử tri của mỗi bang sẽ gặp nhau, thường là ở tòa nhà nghị viện bang của mình, và cùng lúc bỏ phiếu trên toàn quốc, chính thức bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống. Điều này chủ yếu mang tính nghi lễ bởi các đại cử tri gần như luôn bỏ phiếu cho ứng cử viên đã thắng trong cuộc bỏ phiếu của cử tri trước đó, nên cuộc bầu cử Tổng thống về cơ bản thông thường đã được quyết định vào ngày bầu cử của cử tri.

Năm cuộc bầu cử "hy hữu" trong lịch sử Mỹ

Trong số 58 cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tính từ thời lập quốc đến năm 2016, 53 cuộc có người chiến thắng chiếm đa số cả về phiếu phổ thông cũng như phiếu đại cử tri. Tuy nhiên, vẫn có tới 5 cuộc bầu cử mà người giành chiến thắng sau cùng lại thua về số phiếu phổ thông.

Cuộc bầu cử 2016

Dù ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ khi đó là bà Hillary Clinton nhận được nhiều hơn ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump tới 2,8 triệu phiếu phổ thông - một con số chênh lệch lớn chưa từng thấy, ông Trump vẫn đánh bại bà Clinton về số phiếu đại cử tri với tỷ lệ cách biệt: ông Trump - 304 phiếu, bà Clinton - 227 phiếu. 7 phiếu đại cử tri còn lại (5 của đảng Dân chủ, 2 của đảng Cộng Hoà) đã được bầu cho những ứng cử viên độc lập.

Bầu cử Tổng thống Mỹ qua đại cử tri: Luôn gây tranh cãi nhưng chưa thể bãi bỏ - Ảnh 2.

Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump (trái) và ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton (phải) trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 (Nguồn: Reuters)

Cuộc bầu cử 2000

Các ứng cử viên của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000 là George W. Bush của đảng Cộng hòa và ứng viên Al Gore của đảng Dân chủ, người là Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Bill Clinton.

Bầu cử Tổng thống Mỹ qua đại cử tri: Luôn gây tranh cãi nhưng chưa thể bãi bỏ - Ảnh 3.

Ứng cử viên đảng Cộng hòa George W. Bush (phải) và ứng cử viên đảng Dân chủ Al Gore (trái) trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2000 (Nguồn: history.com)

Khi đó kết quả bầu cử ở bang Florida sít sao đến mức theo luật bang này đã phải kiểm phiếu lại. Khi ông George W.Bush được chứng nhận là người chiến thắng với 537 phiếu bầu nhiều hơn so với đổi thủ thì ứng cử viên Al Gore đã khởi kiện và cáo buộc rằng không phải tất cả các lá phiếu đã được kiểm.

Tòa án Tối cao Florida đứng về phía ông Al Gore nhưng ông George W.Bush đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, cơ quan cuối cùng đã bỏ phiếu với tỷ lệ 5 - 4 để đảo ngược quyết định của Tòa án Florida. Với chiến thắng ở Florida, ông Bush có 271 phiếu đại cử tri còn ông Al Gore chỉ giành được 266 phiếu, dù nhiều hơn ông Bush hơn 500.000 phiếu phổ thông.

Cuộc đua ở bang Florida sít sao đến mức luật tiểu bang này yêu cầu kiểm phiếu lại. Khi người đứng đầu cơ quan ngoại giao Florida thời điểm đó chứng nhận ông George W.Bush là người chiến thắng với 537 phiếu bầu nhiều hơn so với đổi thủ, ông Al Gore đã khởi kiện và cáo buộc rằng không phải tất cả các lá phiếu đã được kiểm.

Tòa án Tối cao Florida đứng về phía ông Al Gore nhưng ông George W.Bush đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, cơ quan cuối cùng đã bỏ phiếu với tỷ lệ 5-4 để đảo ngược quyết định của Tòa án Florida.

Với chiến thắng ở Florida, ông Bush có 271 phiếu đại cử tri còn ông Al Gore chỉ giành được 266 phiếu, dù nhiều hơn ông Bush hơn 500.000 phiếu phổ thông.

Cuộc bầu cử 1888

Cuộc đua năm 1888 giữa đương kim Tổng thống đảng Dân chủ Grover Cleverland và ứng cử viên đảng Cộng hòa Benjamin Harrison bị phủ bóng bởi tham nhũng. Cả 2 đảng cáo buộc nhau đã trả tiền cho cử tri để mua phiếu bầu cho ứng viên của mình. Ông Cleveland nhiều hơn ông Harrison 90.000 phiếu phổ thông nhưng chỉ giành được 168 phiếu đại cử tri, ít hơn so với 233 phiếu của ông Harrison. Cuối cùng ông Benjamin Harrison trở thành Tổng thống thứ 23 của Mỹ tại nhiệm từ năm 1889 đến năm 1893.

Bầu cử Tổng thống Mỹ qua đại cử tri: Luôn gây tranh cãi nhưng chưa thể bãi bỏ - Ảnh 4.

Tổng thống thứ 23 của Mỹ Benjamin Harrison (1889-1893) - Nguồn: White House

Cuộc bầu cử 1824 và 1876

Cả hai cuộc bầu cử năm 1824 và năm 1876 đều không được quyết định bởi các lá phiếu phổ thông hay đại cử tri mà là Quốc hội.

Năm 1824, không ứng viên Tổng thống nào giành được quá bán số phiếu đại cử tri, việc bỏ phiếu quyết định được chuyển lên Hạ viện. Theo Tu chính án 12, Hạ viện sẽ bầu trong số các ứng viên có số phiếu cao nhất.

Sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện, ứng cử viên John Quincy Adams đã giành được nhiều phiếu nhất và trở thành tổng thống, dù ở vòng bỏ phiếu trước đó ông đều ít hơn so với đối thủ cả về số phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri.

Bầu cử Tổng thống Mỹ qua đại cử tri: Luôn gây tranh cãi nhưng chưa thể bãi bỏ - Ảnh 5.

Tổng thống thứ 6 của Mỹ John Quincy Adams (1825-1829) - Nguồn: White House

Còn vào năm 1876, cuộc chạy đua là giữa ứng cử viên Rutherford B. Hayes của đảng Cộng hòa và ứng cử viên Samuel Tilden của đảng Dân chủ. Kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Tilden giành được 184 phiếu đại cử tri, chỉ thiếu đúng 1 phiếu để đảm bảo quá bán ở thời điểm đó để đắc cử. Ông Hayes chỉ giành được 165 phiếu. Còn 20 phiếu đại cử tri khác gây tranh cãi.

Quốc hội đã thành lập một Ủy ban bầu cử liên bang và quyết định bỏ cả 20 phiếu đại cử tri gây tranh cãi về ứng viên Hayes, người giành chiến thắng với cách biệt mong manh nhất: 185-184 phiếu.

Bầu cử Tổng thống Mỹ qua đại cử tri: Luôn gây tranh cãi nhưng chưa thể bãi bỏ - Ảnh 6.

Tổng thống thứ 19 của Mỹ Rutherford B. Hayes (1825-1829) - Nguồn: White House

Phong trào loại bỏ hình thức bầu đại cử tri

Nhiều chuyên gia chính trị cho rằng hình thức bầu đại cử tri trong 5 cuộc bầu cử kể trên đã đi ngược lại ý chí của các cử tri Mỹ. Theo thống kê, có hơn 700 đề xuất đã gửi tới Quốc hội Mỹ yêu cầu thay đổi hoặc loại bỏ các đại cử tri. Năm 1969, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật sử dụng phiếu bầu phổ thông song đã bị Thượng viện bác bỏ.

Còn các sử gia thì nhìn nhận phiếu đại cử tri là một hình thức bắt nguồn từ sự phân biệt chủng tộc.

Alexander Keyssar, giáo sư lịch sử tại Trường chính sách công Kennedy thuộc Đại học Harvard và là tác giả của cuốn "Tại sao chúng ta vẫn có đại cử tri?", cho hay các nhà lãnh đạo cực đoan da trắng miền Nam đã phản đối ý tưởng chuyển sang bỏ phiếu phổ thông trên toàn quốc từ những thập kỷ cuối của thế kỷ 19 đến những năm 60 của thế kỷ trước.

Giáo sư Keyssar nhắc lại "Thoả hiệp 3/5" (Three-fifths compromise) quy định nô lệ da đen không có quyền bỏ phiếu nhưng được tính bằng 3/5 người "thường" (người da trắng) trong thống kê quy mô dân số của mỗi bang.

Bầu cử Tổng thống Mỹ qua đại cử tri: Luôn gây tranh cãi nhưng chưa thể bãi bỏ - Ảnh 7.

Một nhóm những người nô lệ tại thành phố St. Augustine, Florida, giữa thế kỷ 19 (Nguồn: CNN)

"Thoả hiệp 3/5 cũng được áp dụng trong việc quy đổi ra số lượng đại cử tri trong các cuộc bầu cử Tổng thống. Do đó đã trao cho các bang miền Nam quyền lực chính trị không tương xứng, đứng đầu là các chủ nô lệ người da trắng ngay từ đầu" - ông Keyssar cho biết thêm.

Bằng cách này, các bang miền Nam đã sử dụng dân số nô lệ để tăng ảnh hưởng chính trị của họ mà không cần phải công nhận nô lệ bình đẳng với người da trắng. Người da đen không có quyền bầu cử vào thời điểm đó.

Ngay cả bây giờ, một số bang miền Nam tin rằng việc bãi bỏ đại cử tri sẽ làm giảm ảnh hưởng của họ và làm suy yếu quyền lực của người da trắng. Giáo sư Keyssar: "Sự tồn tại của tình trạng phân biệt chủng tộc và quyền tối cao của người da trắng ở miền Nam ngăn cản đất nước chấp nhận thay hình thức bỏ phiếu đại cử tri bằng bỏ phiếu phổ thông trên toàn quốc".

Những tiếng nói ủng hộ

Hans von Spakovsky, một thành viên pháp lý cấp cao tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation) viết: "Đaị cử tri là một cấu trúc được cân nhắc rất kỹ lưỡng mà các nhà lập pháp thiết lập để cân bằng lợi ích cạnh tranh của các bang lớn và nhỏ".

"Nó ngăn cản các ứng cử viên tranh cử Tổng thống chỉ tập trung vận động tại các trung tâm đô thị có dân số cao (các thành phố lớn), bỏ qua các bang nhỏ hơn và các khu vực nông thôn của đất nước."

Trong khi những người chỉ trích hình thức bỏ phiếu bằng đại cử tri cho rằng bà Hillary Clinton đã thua cuộc bầu cử một cách bất công, ông Spakovsky lại cho rằng trường hợp của bà Clinton là một ví dụ hoàn hảo về lý do tại sao hình thức đại cử tri hoạt động tốt hơn hình thức phổ thông đầu phiếu.

Ông Spakovsky phân tích: "Nỗi sợ hãi của những người lập quốc về ‘chế độ chuyên chế của đa số’ vẫn còn rất phù hợp cho đến ngày nay. Chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của nó trên thực tế là dù bà Hillary Clinton có nhiều hơn tổng số phiếu phổ thông nhưng bà ấy chỉ giành được khoảng 1/6 số hạt trên toàn quốc, với sự ủng hộ chủ yếu giới hạn ở các khu vực đô thị tại 2 bờ Đông và Tây của đất nước".

Do đó hình thức bỏ phiếu đại cử tri giúp tăng sức nặng cho tiếng nói của những bang nhỏ.

Vẫn sẽ còn những tranh cãi về việc nên hay không nên giữ lại hình thức bầu Tổng thống bằng phiếu đại cử tri. Hãng truyền thông CNN dẫn một khảo sát cho thấy 65% người dân Mỹ ủng hộ phương án họ sẽ bầu trực tiếp Tổng thống. Chỉ còn 32% ủng hộ bầu thông qua đại cử tri.

Tuy nhiên, việc thay đổi cách thức bầu cử Tổng thống sẽ cần Quốc hội thông qua với 2/3 số phiếu đồng ý, một thách thức khó lòng vượt qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước