Tunisia đang trở thành cửa ngõ được nhiều người di cư lựa chọn để tìm cách vào châu Âu. (Ảnh: Reuters)
Vào một buổi chiều tại thành phố ven biển Sfax của Tunisia, khi người dân vội vã đi chợ mua đồ ăn thức uống cho bữa tối xả chay (iftar), một nhóm nhỏ đàn ông đến từ châu Phi cận Sahara tụ tập gần một quầy bán phụ kiện điện thoại.
Một trong số họ, Joseph (tên của nhân vật đã được thay đổi), cách đây 8 tháng đã thực hiện hành trình kéo dài 2 tuần từ Cameroon đến Sfax. Kế hoạch của anh, giống như hàng ngàn người trước đó là chạy trốn đói nghèo và xung đột ở Châu Phi và Trung Đông, đến Tunisia và từ cửa ngõ này tìm đường tới miền đất hứa châu Âu với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Một kế hoạch đơn giản: lên một chiếc thuyền gần Sfax và băng qua Địa Trung Hải đến Châu Âu.
Nhưng thực tế thì không như vậy.
"Hãy nhìn xem," Joseph nói, chỉ vào bức ảnh trên điện thoại chụp một người quen vừa rời khỏi Sfax. "Anh ấy chết rồi. Chết đuối." Cuộc hành trình bằng thuyền quá nhiều rủi ro và tình cảnh ở Tunisia đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Một cách đầy miễn cưỡng, anh đang lên kế hoạch khác, nhưng lần này là trở về Cameroon.
Khoảng 15.000 người di cư đã khởi hành từ Tunisia đến Italy trong năm nay, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Reuters)
Đứng gần Joseph, mang theo một chiếc bánh mì kẹp thịt, là Olivier, đến từ Bờ Biển Ngà. Anh đến Sfax một năm trước và đang cố gắng tiết kiệm 3.000 dinar – tương đương 23 triệu đồng - để thực hiện chuyến đi đến châu Âu. "Muốn vượt biên thì phải làm hai việc một lúc. Chứ tiền kiếm được từ một công việc có khi chỉ 20 dinar/ngày, làm sao mà đủ sống."
Olivier cho biết hầu hết mọi người phải mất 2 năm mới tiết kiệm đủ tiền trả cho những kẻ buôn lậu. Vượt biên vào mùa Đông - khi biển động hơn - phí sẽ thấp hơn. Đây là lý do tỷ lệ tử vong của những người vượt biên từ tiểu vùng Sahara cao hơn nhiều so với người Tunisia - những người có khả năng chi trả nhiều hơn, thường đi vào mùa Hè.
Khi được hỏi về những nguy hiểm, anh mỉm cười. "Nếu bạn có một giấc mơ thì bạn sẽ đi thôi," anh nói. "Không gì có thể ngăn cản bạn được."
Olivier giải thích cách thức hoạt động của hành trình vượt biên: những kẻ buôn người liên lạc với người có nhu cầu và bảo họ bắt taxi đến các điểm dọc theo bãi biển. Khi đến nơi, mọi người có thể thử vượt biển với một ngư dân, hoặc mua một chiếc thuyền và trả thêm tiền để được đào tạo về điều hướng. Một sự chuẩn bị sơ sài cho một hành trình đầy rủi ro.
Olivier chỉ vào một khu chợ nhỏ. "Có hàng nghìn người như chúng tôi ở Tunis," anh nói. "Đó là thủ đô di cư của Địa Trung Hải."
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, khoảng 15.000 người di cư đã khởi hành từ Tunisia đến Italy trong năm nay, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, Libya là điểm khởi hành chính.
Một kế hoạch sơ sài cho một hành trình đầy rủi ro: Lên một chiếc thuyền gần Sfax và băng qua Địa Trung Hải đến Châu Âu. (Ảnh: Reuters)
Trên bãi biển La Louza, miền Trung Tunisia, hàng chục người di cư đang thất thểu trở về. Con thuyền mà họ đặt tất cả hy vọng vào đó đã không thể đưa họ đến miền đất hứa. "Chúng tôi bơi từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều mới vào được bờ," ông Dossou Mamadou – một người di cư đến từ Bờ Biển Ngà, lặng lẽ chia sẻ với cảm giác tuyệt vọng não nề. "Chúng tôi không còn tiền mua thức ăn, tiền thuê nhà lại càng không. Tôi không biết ngủ ở đâu nữa. Giải pháp duy nhất là đến châu Âu nhưng không may đã bất thành," ông nói.
Tuy nhiên ông Dossou Mamadou không biết được rằng, hành trình vượt Địa Trung Hải không thành của mình có khi lại lại là một sự may mắn. Gần đây, lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia cho biết họ đã chặn 80 chiếc thuyền hướng tới Italy và bắt giữ hơn 3.000 người di cư, xác nhận ít nhất 29 người đã thiệt mạng, tuy nhiên con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
"Chỉ trong 1 tuần đã có quá nhiều thảm họa," một đối tượng buôn người nói. "Tôi đã đếm được 130 người chết." Tuy nhiên, chính người này cũng đang lên kế hoạch vượt biển cho gia đình mình trong những ngày tới.
Gần đây, ít nhất 29 người di cư đã thiệt mạng trên hành trình từ Tunisia vượt Địa Trung Hải. (Ảnh: Reuters)
Ở một bãi biển khác, trong một khu dân cư khó khăn của thủ đô Tunis, gần nơi những chiếc thuyền di cư khởi hành, một trùm buôn người - kẻ kết nối người di cư với những người chèo thuyền - vạch ra những tính toán tàn bạo với cuộc sống con người. Những người di cư phải trả tới 2.000 USD mỗi người cho một chỗ trên thuyền đến Italy.
"Nếu chúng tôi tổ chức sáu chuyến đi và hai chuyến bị bắt thì vẫn còn bốn chuyến trót lọt," kẻ buôn người giấu tên chia sẻ với phóng viên kênh truyền hình CNN. "Không có gì đảm bảo trên biển. Bạn có thể bị bắt. Nếu không may mất mạng, bạn phải chấp nhận vận mệnh của mình thôi."
"Chúng tôi đảm bảo rằng chúng tôi có động cơ mới và thuyền không có lỗ thủng," anh ta nói tiếp. "Nếu thời tiết tốt, nơi đây cũng giống như bể bơi thôi."
Nhưng Địa Trung Hải không phải bể bơi. Các tổ chức xã hội cho biết, hành trình có thể mất từ 8-10 giờ để đến được bất kỳ đâu gần bờ biển Italy.
Ở Bizerte, gần cực Bắc của lục địa châu Phi, Đại tá Ayman Mbarki của Lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia cho biết ngay cả với những chiếc thuyền mới nhất – được tài trợ với sự giúp đỡ của Liên minh châu Âu và Mỹ – cũng không thể ngăn chặn dòng người di cư. Lực lượng bảo vệ bờ biển cố gắng phát hiện thuyền của những kẻ buôn người bằng radar và các cuộc tuần tra thường xuyên, nhưng họ thường đến hiện trường để tìm thi thể chứ không phải người sống sót.
"Chúng tôi tìm thấy rất nhiều thi thể người di cư thuộc mọi quốc tịch: người Tunisia và những người châu Phi khác. Chúng tôi thấy người già, người trẻ, thậm chí cả trẻ sơ sinh," ông nói.
Tuy nhiên, những người di cư sau khi bị bắt và được thả vẫn thường tìm cách vượt biên lần nữa.
Dòng người di cư không chỉ đến từ châu Phi và Trung Đông mà cả những người Tunisia chạy trốn khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước họ. Bị lạm phát và tình trạng thiếu lương thực bủa vây, nợ của Tunisia đã lên tới 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Khoản cứu trợ trị giá 1,9 tỷ USD của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn bị đình trệ. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IMO), khoảng 1.600 người Tunisia đã vượt Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền của những kẻ buôn người trong 3 tháng đầu năm nay, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Những người di cư sau khi bị bắt và được thả vẫn thường tìm cách vượt biên lần nữa. (Ảnh: Reuters)
Làn sóng phân biệt chủng tộc nhắm vào người châu Phi cận Sahara tràn qua Tunisia đang ngày càng gia tăng. Các gia đình di cư cho biết họ bị chủ thuê đuổi khỏi nhà và thậm chí bị tấn công. Nhiều người đã mất việc làm, dù là những công việc bấp bênh không giấy tờ - nhưng ít ra cũng giúp họ trả tiền ăn và tiền thuê nhà. Tại thủ đô Tunis, ngày càng có nhiều người ngủ dưới những tấm bạt bên ngoài văn phòng của cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc. Tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực đã góp phần thúc đẩy làn sóng di cư vốn đã leo thang khắp Địa Trung Hải, gây báo động cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) - đặc biệt là Italy, nơi có nhiều bờ biển. Đất nước Nam Âu lo ngại, khoảng 900.000 người di cư sẽ vượt Địa Trung Hải tới Italy trong năm nay.
Tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực góp phần thúc đẩy làn sóng di cư vốn đã leo thang khắp Địa Trung Hải. (Ảnh: Reuters)
Kể từ năm 2017, Italy đã đầu tư khoảng 75 triệu euro vào các dự án quản lý di cư của đất nước. Tuy nhiên, khi EU và Italia hợp tác với Lực lượng bảo vệ bờ biển của Libya, đóng cửa một trong những tuyến đường di cư quen thuộc từ châu Phi cận Sahara đến châu Âu, ngày càng có nhiều người di cư tìm đến tuyến đường khởi hành khác là Tunisia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!