Do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng kéo dài trong giai đoạn 2015 - 2016, tỷ lệ nghèo đói cùng cực tại Brazil đã tăng từ mức 6,5% trong năm 2016 lên 7,2% trong năm 2017, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của hơn 15 triệu người dân nước này.
Theo báo cáo của Công ty cố vấn kinh tế hàng đầu Brazil (LCA) cho biết mặc dù tỷ lệ lạm phát giảm và kinh tế có những dấu hiệu phục hồi trong các quý gần đây, song tỷ lệ nghèo cùng cực tại Brazil vẫn đang gia tăng. Người nghèo chủ yếu tập trung tại các tỉnh Đông Bắc, với hơn 8,1 triệu người. Theo tiêu chuẩn của LCA, hộ gia đình thu nhập bình quân mỗi người ở mức 1,9 USD/ngày nằm trong diện cực nghèo.
Dù quốc tế đã thừa nhận những nỗ lực của Brazil trong cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng xã hội trong những thập kỷ gần đây, song cuộc khủng hoảng kinh tế và các khoản nợ công của chính phủ đã khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Brazil giảm 7% trong 3 năm qua và tăng trưởng -3,8% trong năm 2015 và năm 2016. Năm 2017, quốc gia Nam Mỹ này đã thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế, nhưng điều kiện sống của dân nghèo vẫn chưa được cải thiện.
Theo LCA, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do số người thất nghiệp tại Brazil vẫn chiếm tới 12% dân số, tương đương hơn 12 triệu dân. Bên cạnh đó, thị trường lao động tại nền kinh tế số 1 Mỹ Latin chủ yếu là việc làm không chính thức với mức lương thấp và không ổn định cho người lao động.
Cùng ngày, Bộ Kế hoạch và Bộ Tài chính Brazil dự báo GDP của nước này sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2018 và 2019; 2,4% năm 2020 và 2,3% năm 2021. Tỷ lệ lạm phát sẽ ở mức 3,6% năm 2018; 4,2% năm 2019, trong khi con số này trong năm 2020 và năm 2021 sẽ là 4%.
Chính phủ Brazil đặt mục tiêu tăng mức lương tối thiểu cho người lao động ở mức 281 USD/người/tháng hiện nay lên 296 USD/người/tháng vào năm 2019.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!