Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. (Ảnh: AP)
Hôm nay (21/11) là ngày làm việc thứ 2.888 trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản của ông Abe Shinzo. Điều này cũng có nghĩa ông chính thức trở thành vị Thủ tướng Nhật Bản tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử. Thủ tướng Abe Shinzo nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ vai trò người lèo lái Chính phủ Nhật Bản đến tháng 9/2021, khi nhiệm kỳ Chủ tịch đảng LDP của ông kết thúc trong bối cảnh chưa xuất hiện ứng viên nào nổi bật và nhiều mục tiêu của ông đến nay vẫn còn dang dở. Trong quãng thời gian giữ chức, ở trong nước, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã ghi dấu ấn với sách lược kinh tế mang tên của chính mình Abenomics, tác động tích cực rõ ràng đối với sự phục hồi kinh tế Nhật Bản.
Trong những năm qua, mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản đã được Chính phủ hai nước vun đắp và phát triển trở thành đối tác chiến lược. Nhật Bản là nước viện trợ vốn ODA lớn nhất vào Việt Nam. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2013, Nhật Bản dẫn đầu trong tổng số 54 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam.
Theo chiến lược tăng trưởng của Abenomics, Chính phủ Nhật Bản hướng tới tăng cường đầu tư cho hạ tầng ở nước ngoài. Phương châm mà Chính phủ nước này đề ra là dự kiến đến năm 2020 sẽ đầu tư khoảng 30.000 tỷ Yen cho cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, trong đó, Việt Nam là điểm đầu tư được Nhật Bản đặc biệt coi trọng.
Abenomics cũng đề cao vấn đề cải thiện thị trường lao động của Nhật Bản bằng cách nới lỏng luật tuyển dụng lao động nước ngoài, đặc biệt là những lao động có trình độ và tài năng. Nhật Bản có chủ trương tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc và nhiều doanh nghiệp đang tiếp nhận các thực tập sinh của Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản đã mở rất nhiều đặc khu kinh tế, trao quyền cho doanh nghiệp tự do lựa chọn lao động, đây là những cơ hội cho thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!